Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học - nên hay không?

ANH THƯ| 05/10/2020 12:58

KHPTO - Việc Bộ giáo dục và đào tạo ra Thông tư quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt. Bên cạnh những phân tích về lợi ích của việc sử dụng điện thoại, còn có nhiều lo lắng về tác hại của việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.

Điện thoại “thông minh” hay không: do người sử dụng

Tại buổi tọa đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học - nên hay không?” do báo Tiền Phong tổ chức, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM cho biết: “Hãy biến thách thức thành cơ hội. Điện thoại thông minh hay ngu ngốc, tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng”.

Bà Quyên cho rằng, học sinh chỉ cần 1 chiếc điện thoại là biết tất cả thông tin trên thế giới. Thách thức của chúng ta trong tương lai là trí tuệ nhân tạo, robot sẽ thay thế con người. Dự đoán, năm 2030 gần một nửa công việc trên thế giới sẽ bị robot thay thế. Do đó, 10 học sinh ra trường thì 8 phải giỏi về công nghệ thông tin, nếu không sẽ bị đào thải. Nếu ôm điện thoại chỉ để “chát chít” thì sẽ tạo ra thách thức rất lớn. Việc kiểm soát công nghệ là chìa khóa cho tương lai.

Chia sẻ thêm về việc sử dụng điện thoại thông minh an toàn, bà Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng có 3 nhóm giải pháp, đó là tự thân các bạn học sinh, tập thể quản lý, người lớn nhắc nhở. Ngoài ra, còn có 7 aap để quản lý việc sử dụng điện thoại, mà tất cả đều miễn phí. “Một ngày tôi mặc định chỉ lên Facebook 30 phút thôi thì sau 30 phút đó, điện thoại của tôi không lướt Facebook được nữa. Không có điện thoại nào thông minh hay ngu ngốc, tất cả chỉ là do mình sử dụng”, bà Quyên đúc kết.

Gần 100% học sinh có mặt tại tọa đàm khi được hỏi đều cho rằng có sử dụng thiết bị điện tử để phục vụ cho việc học, tất cả đều là do bố mẹ trang bị. Đỗ Huyền Anh, học sinh Trường THPT Hùng Vương chia sẻ, trong lớp, tiết học đi quá nhanh, không hiểu hết thì trên YouTube hoặc Google có nhiều người giảng, em vào đó xem. “Trên Internet cũng có nhiều kiến thức giúp em tự học ở nhà bằng điện thoại”, Huyền Anh cho biết.

Thầy Lê Quang Huy, phó hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết, khuyến khích các em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Tuy nhiên, thời gian để các em sử dụng điện thoại để phục vụ học tập là nhiều hay ít hơn các hoạt động khác như xem phim, lướt Facebook mới là điều đáng quan tâm. Nếu các em sử dụng điện thoại để phục vụ giải trí nhiều hơn thì nên tự xem lại mình.

Cởi mở với công nghệ không có nghĩa là trả mọi giá để sử dụng

Thầy Nguyễn Đình Độ, hiệu trưởng Trường PTTH Thành Nhân TP.HCM cho rằng, việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp cũng làm ông trăn trở, vì thế ông đã lên mạng tra cứu ngay về tình hình sử dụng điện thoại các nước trên thế giới như thế nào.

“Nước ngoài bây giờ cũng đang thiên về xu hướng nên cấm việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Mặt được là tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian... Nhưng cái không được là học sinh bị phân tán tư tưởng, bị bắt nạt, xảy ra gian lận trong thi cử, làm hạn chế năng lực tiếp xúc với thế giới xung quanh”, thầy Nguyễn Đình Độ nói.

Cởi mở với công nghệ không phải là trả mọi giá để sử dụng nó. Một số nơi, cho sử dụng rồi cấm đều thấy hiệu quả hơn, điểm số học sinh tăng mạnh. Do đó, phải biết cách sử dụng smartphone. Với việc cho học sinh sử dụng điện thoại thì giải pháp là quản lý như thế nào?, thầy Nguyễn Đình Độ nêu vấn đề.

Theo PGS.TS. Lương Thị Ngọc Ánh, trưởng bộ môn giáo dục thể chất, Trường đại học quốc tế Hồng Bàng, con người không chỉ chăm lo sức khỏe về thể chất mà còn có sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. Thực tế cho thấy, khi sử dụng điện thoại di động quá nhiều sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe tinh thần, thể chất, mất đi sức khỏe xã hội và làm cho con người vô cảm. Học sinh cũng không ngoại lệ. Do đó, các em phải tự ý thức để sử dụng điện thoại một cách hiệu quả.

Cô Lê Thị Phượng, hiệu phó Trường THPT Nguyễn An Ninh cho biết, hiện tại trường cấm học sinh sử dụng điện thoại, nhưng cũng có ngoại lệ như tiết học tiếng Anh thì cho học sinh dùng. Trao đổi về quản lý việc có hay không để cho học sinh sử dụng điện thoại, cô Phượng cho rằng để sử dụng điện thoại hiệu quả thì quan trọng tính tự giác của học sinh, sau đó mới tới quản lý của giáo viên. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải nâng cao trình độ, tự trau dồi để thích nghi.

Ông Trịnh Duy Trọng, trưởng phòng giáo dục chính trị sinh viên học sinh, Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM cho biết: “Ngành giáo dục TP.HCM không cấm việc sử dụng điện thoại, hay các trang thiết bị phục vụ trong giờ học. Chúng tôi giao quyền sử dụng các thiết bị này cho mỗi nhà trường và các thầy cô giáo. Thông tư 32 là một hướng mở và theo kịp xu hướng hiện nay. Chúng ta cần phải hiểu rõ Thông tư 32 là sử dụng điện thoại trong giờ học phải được sự cho phép của giáo viên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học - nên hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO