Học mô hình CDIO, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động ASEAN và thế giới

Anh Thư| 29/08/2016 09:46

Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG - HCM) vừa chủ trì tổ chức hội nghị CDIO toàn quốc năm 2016, với chủ đề “Đào tạo theo CDIO: Đúc kết triển khai cho các ngành kỹ thuật và phi kỹ thuật”. PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, triển khai CDIO tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam giúp đổi mới căn bản cách thức xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo (CTĐT) theo tiếp cận năng lực, đào tạo sinh viên đáp ứng chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế. Tốt nghiệp từ các CTĐT theo mô hình CDIO, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, các thị trường lao động trên thế giới.

Phát triển khung chuẩn cải cách chương trình đào tạo 

CDIOTM là một khung chuẩn về giáo dục giúp xây dựng và thực hiện CTĐT đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, và năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên. ĐHQG - HCM áp dụng CDIO từ năm 2010, bắt đầu bằng việc thí điểm cho 5 ngành đào tạo, từ đó đúc kết những mô hình mẫu, khung chuẩn chung phát triển CTĐT để nhân rộng áp dụng. Sau 3 năm thí điểm và đúc kết những kết quả ban đầu, từ năm 2013, CDIO được nhân rộng triển khai cho nhiều ngành đào tạo, bao gồm cả những ngành phi kỹ thuật. Đến năm 2016, toàn ĐHQG - HCM có 5 trường, 30 khoa, 62 CTĐT tham gia áp dụng CDIO, trong đó các CTĐT tham gia đánh giá theo tiêu chuẩn AUN - QA sử dụng tiêu chuẩn CDIO để phát triển CTĐT, nhờ đó mà đạt kiểm định tốt. Các CTĐT đạt kiểm định theo tiêu chuẩn ABET, sử dụng tiêu chuẩn CDIO cho quá trình cải tiến liên tục.

CDIO xuất phát từ ngành kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật hàng không, mặt khác, vào thời điểm các năm 2008 - 2009, khi ĐHQG - HCM chuẩn bị cho việc áp dụng CDIO, CDIO hoàn toàn mới mẻ đối với các cơ sở GDĐH Việt Nam, do đó việc áp dụng đã được ĐHQG - HCM cân nhắc nhằm đảm bảo tính khả thi. ĐHQG - HCM triển khai và áp dụng CDIO theo cách thức thí điểm cho một số ít CTĐT, sau đó đúc kết, và nhân rộng triển khai cho các CTĐT khác: năm 2010, bắt đầu thí điểm cho CTĐT kỹ thuật cơ khí, các CTĐT về máy tính và công nghệ thông tin (CNTT). Cuối năm 2012, sơ kết và đúc kết thí điểm giai đoạn 2010 – 2012. Từ năm 2013, mở rộng triển khai cho các CTĐT lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, khoa học, kinh doanh, và quản lý. Từ năm 2015, mở rộng triển khai cho một số CTĐT lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. 

Tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp cao hơn

Đánh giá tác động đối với 4 CTĐT máy tính và CNTT tại Trường ĐH KHTN cho thấy, so với CTĐT trước khi áp dụng CDIO, sinh viên được học với phương pháp dạy, học mới, thể hiện sự tích cực tham gia của sinh viên trong các hoạt động tại lớp. Sinh viên được giảng dạy đầy đủ các kỹ năng cá nhân, kỹ năng nhóm, các kỹ năng CDIO và được đánh giá đầy đủ. Sinh viên tham gia nhiều môn học với trải nghiệm, thiết kế, triển khai và áp dụng toàn bộ quy trình CDIO trong việc lên ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành sản phẩm. Các kiến thức, kỹ năng mà sinh viên học được đều rất gần gũi với hoạt động nghề nghiệp trong tương lai. 

Số liệu thống kê của Trường ĐH KHTN đối với khóa sinh viên 2011 - 2015 (được áp dụng CDIO) so với số liệu thống kê của khóa 2010 - 2014 (chưa áp dụng CDIO) cho thấy một số tác động tích cực như: thống kê cho thấy các sinh viên tích cực hơn so. Tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp (trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp): khóa 2011 - 2015 cao hơn so với khóa 2010 - 2014. Tỷ lệ sinh viên làm việc tại các công ty nước ngoài cũng cao hơn. Về mức lương khi mới đi làm: 2 khóa có mức lương khởi điểm khá tương đồng nhau. 

Tại Trường ĐH bách khoa, từ một CTĐT kỹ thuật cơ khí, tiên phong áp dụng CDIO từ năm 2010, đến năm 2014, tất cả 33 ngành đào tạo của trường được đổi mới dựa trên mô hình CDIO - chú trọng giảng dạy tích hợp các kiến thức, kỹ năng, và thái độ, đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan. Các CTĐT của trường đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức kiểm định uy tín trong khu vực và thế giới.

Tại Trường ĐH CNTT, CDIO đã giúp tái thiết kế các CTĐT đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động thông qua phát triển đồng thời kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực thực hành nghề nghiệp cho sinh viên; giúp trang bị kỹ năng áp dụng phương pháp học chủ động và học thông qua trải nghiệm, kỹ năng đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra. Đa số giảng viên công nhận việc áp dụng CDIO đã giúp họ quản lý tốt hơn việc giảng dạy và đánh giá. Sinh viên thì đánh giá rất cao các lớp học theo CDIO và mong muốn nhà trường mở rộng cho tất cả môn học.

Sau một quá trình áp dụng CDIO cho các CTĐT thí điểm và nhân rộng triển khai CDIO tại ĐHQG - HCM, các chương trình giáo dục đã được cải cách triệt để. Chương trình được đổi mới, tích hợp… Thành tựu lớn nhất đạt được là đội ngũ giảng viên được tăng cường năng lực cung cấp cho sinh viên trải nghiệm học tích hợp, học chủ động và trải nghiệm, đánh giá học tập dựa trên CĐR (các đề cương CDIO áp dụng thích ứng cho các lĩnh vực đào tạo) làm cho giảng viên sáng tạo hơn trong giảng dạy, nâng cao kết quả học tập cho sinh viên. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học mô hình CDIO, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động ASEAN và thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO