Học liên thông: Cánh cửa có rộng mở?

ANH THƯ| 22/05/2009 17:10

Năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng có giảm so với năm trước. Theo nhận định của ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, một trong những nguyên nhân là bộ và các trường ngày càng đẩy mạnh phương thức đào tạo liên thông nên nhiều thí sinh có thể lựa chọn bắt đầu con đường học tập ở trình độ đào tạo phù hợp với năng lực và điều kiện bản thân. Tuy nhiên, những thí sinh chọn con đường này cũng cần phải lưu ý đến một số vấn đề về thực trạng học liên thông hiện nay.

Điều kiện học liên thông

Đào tạo liên thông bao gồm liên thông dọc và liên thông ngang. Liên thông dọc là học liên thông từ thấp lên cao trong cùng chuyên ngành. Liên thông ngang là liên hệ việc công nhận giữa các trường với nhau về chương trình và kết quả đào tạo, giúp người học có thể thay đổi ngành học từ trường này sang học ngành khác ở trường khác.

Đối tượng đào tạo liên thông là những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng (CĐ) có nhu cầu học tập lên trình độ cao đẳng hoặc đại học (ĐH). Người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Riêng đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên đại học, người có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.

Đối với những lớp đào tạo liên thông mà đối tượng tuyển sinh là những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp, các thí sinh phải thi tuyển 3 môn: hai môn cơ bản và một môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề). Đối với những lớp đào tạo liên thông mà đối tượng tuyển sinh là những người đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, các thí sinh phải thi tuyển hai môn: môn cơ sở ngành (hoặc môn ngoại ngữ tiếng Anh) và một môn về kiến thức ngành.

Đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng khác ngành đào tạo nhưng cùng trong một khối ngành, nếu có nhu cầu đào tạo liên thông thì phải học thêm một khối lượng kiến thức bổ sung để có đủ trình độ đầu vào ngành theo học liên thông trước khi dự thi tuyển - khối lượng kiến thức phải học bổ sung do hiệu trưởng nhà trường quyết định.

Về văn bằng tốt nghiệp, người học theo hình thức học ban ngày, tập trung liên tục tại trường, thực hiện quy chế về tuyển sinh, quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, sau khi kết thúc khóa học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ chính quy, sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hệ chính quy. Người học theo hình thức vừa làm vừa học, thực hiện quy chế về tuyển sinh, quy chế đào tạo đại học và cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học, sau khi kết thúc khóa học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ vừa làm vừa học, sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng ở hệ thức vừa làm vừa học.

Việc đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo. Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành đào tạo.

Không phải học trường nào cũng được liên thông!

Hiện nay việc đào tạo liên thông chủ yếu chỉ diễn ra bên trong từng trường, còn việc liên thông giữa các trường hiện còn nhiều hạn chế. Liên thông ngang giữa ngành này và ngành khác cũng chỉ diễn ra trong nội bộ của từng cơ sở giáo dục. Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của một trường cao đẳng ở Bình Thuận cho biết: “Liên thông giữa các trường thực hiện được là nhờ các mối quan hệ riêng tư, “xin - cho” giữa hai trường có ngành nghề tương thích, nhưng cũng chỉ thực hiện dễ dàng đối với liên thông từ hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lên CĐ, còn liên thông từ TCCN và CĐ lên ĐH giữa hai trường là hết sức khó khăn và là nỗi thất vọng của nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý và học sinh, sinh viên của các trường TCCN và CĐ”. Chương trình không tương thích là một trong những lý do để trường đại học từ chối dễ dàng các đối tượng tuyển sinh của các trường khác có cùng ngành nghề đào tạo muốn thực hiện liên thông, đặc biệt là liên thông lên ĐH.

Các trường đại học cho rằng các trường TCCN, CĐ chưa công bố chương trình giảng dạy kèm theo đề cương chi tiết nên khó xác định các học phần học tiếp bậc tiếp theo của hệ liên thông. Chương trình giảng dạy của các trường lại không giống nhau, chưa kể chất lượng đào tạo không đồng đều, nên khó có thể xác định để công nhận kết quả học tập theo tín chỉ, học phần/môn học và kết quả toàn khóa học để được hưởng chế độ miễn trừ khi học chương trình cao hơn. Trong thực tế, rất nhiều trường trung cấp thậm chí không ghi thời lượng học tập các môn học trong sổ học tập, do đó rất khó tham khảo để điều chỉnh chương trình giảng dạy liên thông cho phù hợp. Có trường đại học còn đưa ra lý do là sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng của mình đã quá đông, trong khi chỉ tiêu đào tạo liên thông quá ít nên không xét tuyển thí sinh bên ngoài.

Trước thực trạng trên, các thí sinh thi vào trường TCCN hoặc CĐ, nếu muốn học liên thông lên đại học sau này thì nên lưu ý xem trường mình chọn có liên kết với trường đại học nào hay chưa...

ANH THƯ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học liên thông: Cánh cửa có rộng mở?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO