Hoạt động khoa học - công nghệ TP. Hồ Chí Minh: Đề tài nghiên cứu phải có địa chỉ ứng dụng

17/03/2007 03:15

Đây là một trong số nhiều thay đổi lớn trong hoạt động quản lý khoa học công nghệ của TP.HCM từ nay đến cuối năm 2007 và những năm tiếp theo nhằm cải thiện tình hình đóng góp của khoa học công nghệ trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Kéo doanh nghiệp “vào cuộc”

PGS.TS. Phan Minh Tân, giám đốc Sở khoa học & công nghệ TP.HCM thẳng thắn cho biết “trong thời gian qua việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học (các đề tài, các dự án...) tại Thành phố khá dàn trải, vì vậy hiệu quả đầu tư không cao, đóng góp trực tiếp của khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố vẫn còn ở mức độ rất khiêm tốn. Ngay trong năm nay những hạn chế này phải được cải thiện…”.

Cụ thể về cơ cấu đầu tư kinh phí trong thời gian tới sẽ theo tinh thần mới là “xã hội hóa kinh phí đầu tư nghiên cứu khoa học”, sẽ kéo các doanh nghiệp vào cuộc cùng với các nhà khoa học. Các nghiên cứu ứng dụng từ năm nay bắt buộc phải có địa chỉ ứng dụng, cơ quan ứng dụng đề tài nghiên cứu phải cùng tham gia vào quá trình thực hiện đề tài. Những đề tài dạng này, tùy trường hợp khi cần thiết nhà nước sẽ có sự hỗ trợ kinh phí với doanh nghiệp. Tuy nhiên kinh phí cho những đề tài nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho các doanh nghiệp sẽ do các doanh nghiệp đầu tư là chủ yếu. Kinh phí của nhà nước sẽ không còn dàn trải, mà sẽ tập trung ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản, cho các nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, hay những vấn đề bức bách phát sinh trong cuộc sống.

Tổng kinh phí đầu tư cho các đề tài cũng không quá cứng nhắc theo định mức quy định, mà trong những trường hợp đặc biệt, những đề tài hay những dự án lớn mang tính đột phá cho kinh tế - xã hội Thành phố, thì ngân sách của nhà nước có thể đầu tư đến hàng triệu đô la.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Theo các nhà khoa học TP.HCM, việc tăng cường hợp tác với các tổ chức khoa học quốc tế, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài là một trong những con đường thiết thực góp phần thành công cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Với tinh thần này trong năm nay, TP.HCM sẽ tăng cường hơn việc hợp tác KHCN với nước ngoài. Trước mắt các nội dung hợp tác sẽ tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng (hợp tác với các tổ chức UNDP, UNIDO, ASEAN, EC,…); quản lý công nghệ (phối hợp với Viện Kitech của Hàn Quốc); phân tích thí nghiệm (hợp tác với Pháp và Mỹ…); ký kết thỏa thuận với quỹ chuyển giao công nghệ quốc tế CHLB Nga (sẽ lập phòng trưng bày công nghệ cao của CHLB Nga tại TP.HCM); xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho các trường đại học, cao đẳng tại Thành phố liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín nước ngoài, hay thu hút các trường đại học có uy tín trên thế giới đặt chi nhánh, trụ sở tại Thành phố (để phục vụ cho mục tiêu nguồn nhân lực).

“Những sự cải tiến, điều chỉnh, hướng đi mới nói trên sẽ giúp gắn kết hơn giữa nghiên cứu và sản xuất; nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học; tạo một cơ chế thích hợp để hoạt động KHCN có thể giải quyết, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi từ cuộc sống” - PGS.TS. Phan Minh Tân kỳ vọng. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động khoa học - công nghệ TP. Hồ Chí Minh: Đề tài nghiên cứu phải có địa chỉ ứng dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO