Hoang mang về thực phẩm “kỵ” nhau

10/05/2017 09:13

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

KHPT-Trong thời gian vừa qua, trên mạng internet xuất hiện một số cảnh báo khi dùng phối hợp những thực phẩm “kỵ” nhau sẽ gây tử vong, ung thư và nhiều tác hại khác gây hoang mang cho nhiều người. Thông tin nêu rất cụ thể và rõ ràng (ảnh), vậy thực hư chuyện “kỵ” nhau của thực phẩm là như thế nào? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu dựa trên cơ sở khoa học.

Nguyên tắc đầu tiên và cơ bản của dinh dưỡng hợp lý cho sức khỏe là ăn uống đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Người Việt chúng ta cũng thường có tập quán phối trộn, kết hợp các loại thực phẩm đa dạng, đa vị trong chế biến để tạo ra những món ăn ngon, mới lạ, đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo như một số công thức nấu ăn phổ biến, thường do ông bà chỉ cho cha mẹ rồi chúng ta sẽ thừa hưởng việc áp dụng phối hợp một số loại thực phẩm nhất định với nhau,  hòa trộn thực phẩm có chủ ý mang tính “âm - hàn” với thực phẩm có tính “dương - nhiệt” để “ôn bổ - cân bằng” cho cơ thể.

Một số công thức nấu ăn mới cũng được sáng tạo ngày càng đa dạng phong phú trong cộng đồng và trên thế giới khi kết hợp đông - tây trong nấu ăn. Vì vậy, các bà nội trợ của chúng ta trở nên quan tâm nhiều đến việc phối hợp thực phẩm có gây nguy hại gì cho sức khỏe hay không.

Một số bạn đọc quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe, và rất “hoang mang” về thông tin “thống kê” một danh sách các kết hợp thực phẩm gây “chết người” như: mật ong hòa với bột sắn dây, mật ong với sữa đậu nành, rắn cắn thì không được ăn cua, cá; trứng ngỗng với tỏi, thanh long với bình bát, ba ba với rau dền... Thực tế, những kết hợp này cũng từng gặp trong thực tế và chưa có báo cáo hay thống kê nào cho biết kết hợp này sẽ dẫn đến tử vong cho người sử dụng.

Ăn thịt chó xong uống nước trà sẽ gây ung thư, hoặc kết hợp của cà chua với khoai tây, gan với giá cũng đưa đến bệnh lý tương tự? Món giá xào lòng gà hay gan heo là một món ăn bổ dưỡng phổ biến trong bữa ăn gia đình người Việt từ lâu đời này không thể gây ung thư nếu sử dụng thực phẩm sạch với số lượng và tần suất ăn vừa phải. Trong danh sách dài các thực phẩm “chính thức” gây tăng nguy cơ ung thư qua các nghiên cứu khoa học có chứng cứ là: thịt xông khói, thịt muối, dầu thực vật cháy khét do chiên đi chiên lại nhiều lần, mỡ hay thịt bị cháy đen...

Nếu bạn đã từng ăn hải sản hay nghêu sò ốc hến với trái cây mà bị đau bụng, tiêu chảy thì có lẽ do hải sản bị nhiễm trùng, nhiễm độc, hư thối hay nghêu ốc chưa nấu chín kỹ còn chứa vi khuẩn Salmonella... chứ không phải do kết hợp hải sản với trái cây gây ra rối loạn tiêu hóa.

Thông tin “thất thiệt” còn nói nếu ăn trứng với cà chua, hành lá thì rất độc, vậy món canh cà chua trứng ưa thích của trẻ em với món bún riêu của chúng ta chắc phải “cho vào dĩ vãng” hay sao?! Chúng ta ăn món này chắc cũng hơn trăm năm rồi và cũng chưa có trường hợp thực tế hay thống kê báo cáo nào cho kết luận như vậy.

Việc ăn trái cây sau bữa ăn được tuyên bố là “không tốt cho sức khỏe” nhưng chúng ta vẫn đã, đang và sẽ dùng trái cây để tráng miệng như tập quán lâu đời. Đây là việc cả thế giới đều thực hành như vậy từ bao nhiêu năm nay. Ông bà ta ăn trái cây sau bữa ăn để tăng thêm khẩu phần dinh dưỡng cần thiết, để sạch răng miệng... sau bữa ăn mà vẫn sống khỏe hơn trăm tuổi đó thôi. Các Viện dinh dưỡng trên toàn thế giới đều chưa từng đưa ra khuyến cáo nào về việc không nên ăn trái cây sau khi ăn bữa ăn chính. Tuy nhiên, nếu bạn muốn giữ cân hoặc giảm cân thì có thể ăn trái cây trước khi ăn cơm để “no bớt” và giảm được lượng cơm ăn khi vào bữa chính. Còn nếu bạn thích để bụng đói để ăn ngon miệng hơn vào bữa chính, cần ăn nhiều bột đường để tăng cân thì vẫn có thể ăn thêm trái cây ngọt ngay sau khi ăn bữa chính.

Như vậy, trên thực tế cũng như chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào báo cáo là có những thực phẩm thiên nhiên nào kiêng kỵ nhau gây nguy hiểm đến tính mạng hay sức khỏe khi phối hợp nhau. Chỉ có những thực phẩm vốn có chứa chất độc gây hại (như tuyến độc trong cá nóc, cóc, nấm độc,...) hoặc thực phẩm bị nhiễm trùng, nhiễm độc, ôi thiu mốc hỏng,. chứa hóa chất độc hại, hàn the, phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản bị cấm, ... thì mới nguy hại cho sức khỏe.

Cũng cần lưu ý việc một số loại thức ăn hay nước uống khi phối hợp có thể gây ức chế hấp thu chất dinh dưỡng như chất sắt trong thịt cá sẽ bị tanin trong nước trà hạn chế hấp thu, calci trong sữa thì hấp thu cạnh tranh với kim loại khác như kẽm, sắt, đồng,... trong viên thuốc (không hấp thu hoàn toàn mà chỉ tiếp nhận một ít, một phần các chất dinh dưỡng đưa vào), ăn quá nhiều chất xơ làm tăng mất calci, chất đạm trong bữa ăn... Như vậy, nguy hại chỉ là giảm hấp thu dinh dưỡng, không đến mức nguy hại cho sức khỏe hay tính mạng.

Do cơ thể chúng ta cần nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau để duy trì sự sống và hoạt động, do đó, chúng ta cần ăn uống đa dạng thực phẩm, mỗi ngày nên ăn từ 20 - 30 loại thực phẩm khác nhau để bổ sung nhiều dưỡng chất, cần thay đổi món thường xuyên, ăn những món thập cẩm... sẽ giúp cho khẩu phần đa dạng hợp lý.

Việc kết hợp nhiều món, đổi món, làm món thập cẩm nhiều loại thực phẩm không chỉ giúp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng mà còn giúp ăn ngon miệng hơn, không ngán ngấy, nhằm đáp ứng nhu cầu dưỡng chất trong cơ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoang mang về thực phẩm “kỵ” nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO