Hoa hòe, tốt cho sức khỏe

DS. LÊ KIM PHỤNG| 23/11/2017 16:58

KHPT-Hoa hòe (Sophora japonica, Fabaceae) còn được gọi là hòe mễ, hòe hoa mễ, hòe hoa, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Những bông hoa trắng đẹp làm cho nó trở thành một cây cảnh có giá trị trên khắp thế giới, đồng thời cũng rất tốt cho hệ thống tuần hoàn.

- Tốt cho bệnh nhân bị trĩ. Có câu “Thập nhân cửu trĩ” (nghĩa là cứ 10 người có đến 9 người mắc bệnh trĩ), đây là một căn bệnh âm thầm khó nói nhưng làm cho chúng ta mất ăn mất ngủ vì cản trở nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là với những người phải làm những công việc như thợ may, văn phòng, giáo viên, sinh viên…ngồi hoặc đi đứng đều rất đau do các mạch máu chung quanh hậu môn bị sưng tấy. Đôi khi sử dụng thuốc bôi, thuốc đặt đều không hiệu quả, các hợp chất có lợi trong hoa hòe được xem là cứu tinh của người bệnh trĩ. Troxerutin có tính chất bảo vệ mao mạch, oxymatrine giúp làm giảm sưng và chữa lành các mạch máu bị hư tổn.

- Bảo vệ tim và mạch máu. Các hợp chất polyphenol trong hoa hòe giúp tăng cường bảo vệ các mạch máu, đồng thời thúc đẩy sức khỏe hệ tim mạch. Các mô hình nghiên cứu sơ bộ cho thấy oxymatrine thậm chí có thể bảo vệ tim và cải thiện chức năng cơ tim. Hoa hòe còn có tác dụng phòng ngừa trường hợp vữa xơ động mạch và làm hạ huyết áp. Rutin trong hoa hòe cải thiện vi tuần hoàn, chống ngưng kết tiểu cầu, được sử dụng trên lâm sàng để điều trị hỗ trợ cho các bệnh như huyết áp cao, tăng nhãn áp, xuất huyết não, xuất huyết võng mạc; rutin trong hoa hòe còn giúp tăng cường sự hấp thu vitamin C trong các mô tế bào.

- Tác dụng cầm máu, hoa hòe rút ngắn thời gian chảy máu, khi dùng nên sao vàng sậm, được ứng dụng trên các bệnh nhân hay bị chảy máu cam, kinh nguyệt kéo dài, đi tiêu ra máu, trĩ ra máu, bệnh scorbut hay bị chảy máu chân răng.

- Tác dụng chống oxy hóa tế bào, bảo vệ thành mạch, hiện nay y học đang nói nhiều đến các gốc tự do, lên án nó là tác nhân hủy hoại tổ chức tế bào của cơ thể người, chúng có khả năng oxy hóa rất mạnh. Tuy nhiên, các hoạt chất flavonoid trong hoa hòe lại có tính khử mạnh hơn có thể vô hiệu hóa các gốc tự do, “dọn dẹp” sạch sẽ và không cho chúng tự do hoạt động gây hư hại tế bào và hủy hoại thành mạch. Với người hay bị xuất huyết, hoa hòe giúp tăng được tính bền của thành mao mạch chống được sự xuất huyết và suy giãn tĩnh mạch. Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của flavonoid trên gan cho thấy hoa hòe giúp bảo vệ tế bào gan chống lại các độc tố và các gốc tự do gây hại cho gan.

- Chống viêm khớp, nhờ tác dụng chống viêm mạnh, trên thực nghiệm cho thấy hoạt chất trong hoa hòe có tác dụng làm giảm sưng và viêm trên mô hình và trên bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính.

- Tác dụng giảm béo, hiện nay các nhà khoa học còn chứng minh được quercetin trong hoa hòe tốt cho bệnh nhân bị hen dị ứng. Ngoài tác dụng hạ áp, hoa hòe còn giúp giảm lượng mỡ trong máu, kiểm soát được sự trao đổi chất, giúp làm giảm hiện tượng bám dính của chất béo trong mô gan nên uống hoa hòe cũng góp phần điều chỉnh trọng lượng cơ thể và giúp giảm béo phì.

Dân gian thường dùng hoa hòe sao vàng mỗi ngày 5 - 10 g hãm trà làm nước uống giải nhiệt. Theo tóm tắt của Materia Medica, nụ hoa hòe được sử dụng như một loại rau ăn hoặc ở dạng trà. Loại thảo mộc này còn được xem là một trong những loại thuốc bổ não tốt và còn có thể giúp cải thiện màu tóc và giúp sống thọ hơn nếu sử dụng đều đặn.

Theo y học cổ truyền, hoa hòe vị đắng, tính lạnh, quy kinh can, đại tràng, có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, dùng trong các trường hợp huyết nhiệt, tác dụng cầm máu rất tốt, điều trị các bệnh đại tiện ra máu, trĩ chảy máu, chảy máu cam hoặc ho ra máu, phụ nữ rong kinh, nhức đầu, mắt đỏ, phòng ngừa vữa xơ động mạch, cao huyết áp, chống xuất huyết mao mạch, nóng gan, lao phổi.

Trên thị trường dược phẩm hiện nay có nhiều loại thuốc từ hoa hòe với những tên gọi như vitamin P, rutin, troxerutin, rutosid, rutinoside, rutin C… dạng viên nang, chiết xuất, viên nén và nhiều dạng khác nữa. Tuy nhiên, khi sử dụng ở dạng thực phẩm chức năng nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc chuyên khoa.

Một số bài thuốc thường dùng

- Chữa đại tiện ra máu do nhiệt, hoa hòe 10 g phối hợp với trắc bá 10 g hai vị sao cháy, kinh giới 10 g. Cho 500 ml nước sắc còn 100 ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống liền 3 - 5 ngày.

- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, hoa hòe 10 g, lá sen 10 g, ngó sen 5 g, cúc hoa vàng 4 g. Cho 500 ml nước sắc còn 100 ml, chia 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 10 ngày.

- Chữa đau đầu hoa mắt chóng mặt khi thay đổi thời tiết, hoa hòe sao thơm 10 g, thảo quyết minh sao đen 20 g, cúc hoa 5 g, hãm với nước sôi, thêm chút đường cho ngọt, uống trong ngày.

- Chữa rối loạn kinh nguyệt, hoa hòe 10 g, cỏ mực 6 g, sắc trong 300 ml nước uống ngày 2 lần trong 3 - 5 ngày.

- Chữa sốt xuất huyết (khi sốt đã lui mà còn xuất huyết nhẹ), chảy máu chân răng, chảy máu cam, nụ hòe 10 g sao cháy, cho 200 ml nước nấu lấy nước uống trong ngày, từ 5 - 7 ngày.

- Chữa cao huyết áp, đau mắt đỏ, hoa hòe (chưa sao) ngày dùng 8 - 16 g dạng thuốc hãm hoặc sắc.

Chú ý

Hoa hòe tính hơi lạnh nên những người hay đau bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện phân lỏng, người thiếu máu không nên dùng, nếu cần dùng thì phải do thầy thuốc chỉ định và có sự phối hợp với các dược liệu có tính ấm nóng. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú không được tự ý sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa hòe, tốt cho sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO