Hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học

14/04/2007 08:57

Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang dành một nguồn kinh phí hỗ trợ (thông qua đầu mối là Sở khoa học & công nghệ TP.HCM) cho các đề tài nghiên cứu khoa học sau khi đã được nghiệm thu, có khả năng ứng dụng cao. Mức kinh phí hỗ trợ chuyển giao ứng dụng vào đời sống, vào sản xuất cho một đề tài có thể lên đến 120 triệu đồng. Đặc biệt dự kiến trong quý II/2007, Thành phố sẽ có thêm Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN, kinh phí ban đầu vào khoảng 50 tỉ đồng...

THOÁNG ĐẦU VÀO


Theo Sở KH&CN - TP.HCM tiêu chuẩn để xét chọn những đề tài được nhận kinh phí hỗ trợ chuyển giao ứng dụng rất thoáng, không bắt buộc phải là những đề tài nghiên cứu cấp Thành phố (trong phạm vi Sở KH&CN quản lý), mà những đề tài của viện, trường, từ các doanh nghiệp… tại TP.HCM nếu chứng minh được hiệu quả, có địa chỉ ứng dụng cụ thể thì sẽ được xem xét cấp kinh phí thực hiện. Mức kinh phí hỗ trợ tùy thuộc vào từng đề tài, cao nhất có thể là từ 100 - 120 triệu đồng.

Hiện nay đã có một số đề tài của các nhà khoa học đã nhận được kinh phí hỗ trợ này, chẳng hạn đề tài chế phẩm vi sinh để phòng và trị các bệnh về tai - mũi - họng của PGS.TS. Nguyễn Văn Thanh, Trường đại học y dược TP.HCM, tiếp nối từ đề tài nghiên cứu R&D trước đó. Sở KH&CN đã cấp một khoản kinh phí để nhóm nghiên cứu đề tài này phối hợp với Công ty dược phẩm Domexco (Đồng Tháp) sản xuất thử nghiệm.

Sắp tới đây 2 loại robot chuyên dùng trong lĩnh vực hàn tàu do nhóm các nhà khoa học của Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới TP.HCM và khoa cơ khí, Trường đại học bách khoa TP.HCM thực hiện, cũng sẽ nhận được kinh phí hỗ trợ cho việc chuyển giao ứng dụng vào sản xuất. Đặc biệt, đầu tuần này, nhóm nghiên cứu của Viện công nghệ hóa học (chế tạo bộ kit dùng thử phát hiện nhanh hàn the trong thực phẩm) cũng chính thức đánh tiếng xin được hỗ trợ kinh phí để thương mại hóa bộ kit này.

CÚ HÍCH ĐỂ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Nhằm mục tiêu thiết thực giúp cho thị trường khoa học công nghệ phát triển, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ chuyển giao ứng dụng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, dự kiến trong quý 2/2007, Thành phố sẽ có thêm Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN, bước đầu nguồn kinh phí sẽ có khoảng 50 tỉ đồng.

Theo ThS. Đinh Minh Hiệp, phó trưởng phòng quản lý khoa học, Sở KH&CN - TP.HCM: Trong thời gian qua không ít đề tài nghiên cứu có triển vọng, chủ nhiệm đề tài muốn tiếp tục thực hiện tiếp dự án sản xuất thử nghiệm. Nhưng ở hình thức dự án, chủ nhiệm đề tài bị vướng một cơ chế là kinh phí thực hiện dự án không được đầu tư vào việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho đề tài. Với quỹ hỗ trợ KHCN, hạn chế nói trên sẽ được tháo gỡ. Khi vay quỹ hỗ trợ KHCN, chủ nhiệm đề tài có thể thực hiện hướng nghiên cứu thử nghiệm của mình như là một dự án khả thi, có thể đầu tư luôn cả cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm. Lãi suất vay hiện đang còn xem xét, song tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể lãi suất bằng “0%”, hay lãi suất ưu đãi thấp hơn nhiều so với lãi của ngân hàng…

Một nguồn tin từ Sở KH&CN - TP.HCM cho hay, dự kiến chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khi xin vay kinh phí từ quỹ hỗ trợ KHCN cũng sẽ được nhiều ưu đãi về cơ chế thủ tục. Chẳng hạn như sẽ không đặt nặng việc thế chấp, mà thay vào đó là tín chấp (xét trên uy tín của chủ nhiệm đề tài); đề tài thực hiện xong nếu xét thấy hiệu quả tốt, có thể sẽ áp dụng sự mềm dẻo trong vấn đề sở hữu trí tuệ, chấp nhận cho chủ nhiệm đề tài vừa là quyền tác giả, vừa là chủ sở hữu của kết quả nghiên cứu này (không nhất thiết chủ sở hữu phải là cơ quan cấp kinh phí thực hiện)… ó

Muốn biết thêm thông tin về kinh phí hỗ trợ chuyển giao, quỹ hỗ trợ phát triển KHCN... liên hệ số 244 Điện Biên Phủ, Q.3, ĐT: 9325883 - 9325901.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO