Hỗ trợ kịp thời để học sinh có phương tiện học tập

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ| 09/09/2021 10:52

Dù học trực tuyến ở thời điểm này là việc tất yếu phải làm và sẽ là câu chuyện lâu dài nhưng đang có tới hàng trăm nghìn học sinh cần được hỗ trợ để có phương tiện học tập.

Năm học mới đã bắt đầu, nhiều địa phương do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên đã tổ chức cho các em học sinh học trực tuyến. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nan giải, dễ nhận thấy nhất là thiếu thiết bị học.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có trên 11.000 học sinh tiểu học chưa có thiết bị học trực tuyến. Ở TPHCM, con số này là khoảng 77.000. Còn thủ đô Hà Nội cũng xảy ra tình trạng thiếu phương tiện học tại các trường thuộc địa bàn nông thôn nghèo và miền núi.

Ở các huyện miền núi thuộc tỉnh Thanh Hoá, rất khó để thực hiện việc dạy và học trực tuyến. Hiện chỉ có khoảng 50% số học sinh tiếp cận được phương thức này, số còn lại do gia đình khó khăn, chưa thể sắm được điện thoại thông minh hoặc máy tính cùng thuê bao internet cho con em học tập.

Tại Nghệ An, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết, thống kê cho thấy, 90% học sinh các huyện đồng bằng có điều kiện học trực tuyến, nhưng ở các huyện miền núi, con số này chỉ đạt khoảng 60%. Ở huyện vùng cao, giáp biên giới, việc học trực truyến còn nhiều bất cập do hệ thống mạng internet chưa ổn định.

Nhiều giải pháp để ứng phó và tháo gỡ

Trong năm học 2021-2022, ngành giáo dục đã xác định học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế mà sẽ là giải pháp lâu dài, ổn định trong dịch bệnh.

Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình "sóng và máy tính cho em"; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến.

Xung quanh vấn đề học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã xây phương án hướng dẫn tận dụng các bài giảng điện tử có sẵn ở trên mạng. Bộ cũng chuẩn bị kho học liệu lớn trên Cổng thông tin điện tử, kết nối trên Youtube… Đối với học sinh lớp 1, Bộ đã chuẩn bị khá đầy đủ các video bài học cho môn tiếng Việt, tiếng Anh. Những video này cũng được phát trên truyền hình.

Với những học liệu đó, thầy cô có thể gửi cho học sinh qua email, Zalo... để học tại nhà nếu học sinh không có điều kiện học trực tuyến.

Còn Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, Bộ GD&ĐT đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông để có thể hỗ trợ các địa phương. Ngoài ra, địa phương cần rà soát, phân loại học sinh để đưa ra những phương án dạy và học phù hợp.

Hôm qua (7/9), Bộ GD&ĐT có văn bản chính thức gửi Bộ TT&TT về việc hỗ trợ ngành giáo dục với mong muốn Bộ này chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông internet để bảo đảm tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục. Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (đặc biệt là cước internet 3G, 4G); giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng dạy và học, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, năm học này, ngành giáo dục tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm tải và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, bảo đảm phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Tinh thần dạy và học hiện nay là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài cho học sinh qua Zalo, thư điện tử, nhắn tin… Theo đó, khi học sinh vào học trực tuyến thì phải có sự chuẩn bị bài từ trước, đã đọc sách giáo khoa từ trước. Lúc bấy giờ, giờ học trực tuyến chỉ là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho hay, trong trường hợp không có internet, giáo viên có thể phát các tài tiệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để giúp học sinh tiếp cận các học liệu này.

Thời điểm này, đã có nhiều địa phương quyết định trích ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kịp thời phương tiện học tập cho học sinh có điều kiện khó khăn. Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị điện tử và nhận được sự đồng ý của các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ đường truyền, máy móc thiết bị cho nhà trường, học sinh. Sở cũng sẽ phối hợp với Ðài Truyền hình TPHCM triển khai sớm nhất việc dạy, học trên truyền hình. Trong trường hợp học sinh quá khó khăn, không thể tiếp cận học trực tuyến, học trên truyền hình, các trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh.

Nhật Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ kịp thời để học sinh có phương tiện học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO