Hình thành kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc và xâm hại cho trẻ

NHƯ QUỲNH| 08/06/2019 18:13

KHPTO - Thầy Nguyễn Minh Giang, khoa giáo dục tiểu học, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã xây dựng một số nội dung tích hợp giáo dục giới tính vào các môn tự nhiên và xã hội, đạo đức, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh lớp 3, bao gồm: đặc trưng về giới, chăm sóc cơ thể, cách hành xử với người thân, bạn bè và hàng xóm.

Phương pháp dạy học tích hợp giáo dục giới tính được thực hiện thông qua những trò chơi học tập, thảo luận nhóm, phỏng vấn... với sự hỗ trợ của phương tiện dạy học trực quan. Học sinh được tham gia các hoạt động thực hành một số tình huống liên quan để hình thành kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc và xâm hại.

Theo thầy Nguyễn Minh Giang, giáo dục giới tính (GDGT) chỉ thành công khi được xem như là một chủ đề thông thường và thực sự cần thiết trong cuộc sống. Đối với trường tiểu học, GDGT có thể lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, các tiết tự học hoặc các tiết hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, làm thế nào tích hợp GDGT mà không ảnh hưởng đến quan niệm “thuần phong mỹ tục” của người Việt Nam và đồng thời cung cấp kiến thức về giới tính một cách dễ dàng và kịp thời, không cần điều chỉnh chương trình của học sinh (HS) chính là lý do thầy Nguyễn Minh Giang tiến hành thực hiện nghiên cứu “Dạy học tích hợp GDGT cho học sinh lớp 3”.

Trong các hoạt động, đáng chú ý có “hoạt động 2”: đóng vai xử lý tình huống “Con là chính con”. Hoạt động này giúp HS biết rằng vùng kín, nơi dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể cũng chính là nơi cần được giữ gìn vệ sinh và không ai có quyền đụng chạm vào vùng kín của mỗi cá nhân. Ngoài ra, một số bộ phận trên cơ thể bạn nam và nữ cần được bảo vệ và không cho người khác đụng chạm vào. Từ đó, HS biết cách phòng tránh và xử lý các tình huống có thể gặp phải khi có người cố tình xâm hại đến vùng kín của mình.

Trong tình huống nhận biết đâu là vùng kín, vùng “riêng tư”, giáo viên (GV) phát tranh về cơ thể nam và nữ cho 4 nhóm HS, các nhóm tiến hành thảo luận và gắn dấu chấm than vào các bộ phận nào HS cho là vùng “riêng tư”. Sau 5 phút, đại diện nhóm lên treo tranh và GV gọi một nhóm đứng lên trình bày kết quả thảo luận của nhóm mình. GV giải đáp những thắc mắc của HS.

Các em HS còn được xem một đoạn phim về câu chuyện gia đình của An sống trong một khu chung cư có rất nhiều căn hộ sát cạnh nhau. Bác hàng xóm khá thân thiết và thường xuyên qua nhà An chơi, thỉnh thoảng còn cho kẹo và nói chuyện với An. Dạo gần đây, bác hàng xóm tiếp xúc với bạn An nhiều hơn và thường xuyên gọi bạn ấy lại, ôm ấp, vuốt ve. Lúc đầu thì An cảm thấy bình thường, nhưng càng ngày bác ấy càng gần em và cố tình đụng chạm vào những bộ phận vùng kín của An làm An không thoải mái. Nếu em là An, trong trường hợp này, em phải giải quyết như thế nào? Các em sẽ tìm câu trả lời.

HS được tập nói “không” với các hành vi đụng chạm cố ý vào các bộ phận riêng tư trên cơ thể. GV sử dụng sơ đồ cơ thể, khi GV chỉ thước vào bộ phận nào thuộc bộ phận “riêng tư” thì các em hét lên: “Không, không” và đưa mặt giận, còn các bộ phận nào không thuộc bộ phận “riêng tư” thì đưa mặt cười. Thực hành theo tập thể và từng cá nhân riêng biệt.

Nhằm đánh giá hiệu quả những nội dung GDGT đề xuất, nghiên cứu đã tiến hành dạy thử nghiệm cho HS lớp 3 tại 4 trường tiểu học ở TP.HCM và 1 trường tiểu học ở Bình Dương. Đối với bài “Vệ sinh cơ quan bài tiết nước tiểu”, có 380/387 HS cảm thấy thích thú với tiết học này. Trong đó, các hoạt động các em thích nhất là hoạt động “Truy tìm đáp án” và hoạt động xem phim tình huống “Con là chính con”. HS đưa ra ý kiến rất thú vị về các hoạt động như: “Em thích nhất hoạt động giải ô chữ vì em có thể biết thêm các cách để giữ gìn vệ sinh cho cơ thể giúp cho em mạnh khỏe hơn”; “Em biết phải bảo vệ cơ thể của em và phải báo cho cha mẹ nếu gặp điều gì bất thường trên cơ thể”; “Em thích hoạt động xem phim vì nó hay và giúp em biết phải làm gì nếu có người đụng chạm vào cơ thể em”... Một số HS khác cũng bày tỏ sự thích thú cho các hoạt động nhỏ như dán dấu chấm than vào vùng riêng tư, sử dụng gương mặt cười và mặt mếu khi có người cố ý đụng chạm vào những vùng riêng tư của bản thân.

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát để đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của HS. Kết quả cho thấy có 333/387 HS đều biết cách giữ gìn vệ sinh cơ thể, hiểu được như thế nào là vùng riêng tư và cách xử lý tình huống khi có người khác đụng chạm vào cơ thể em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình thành kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc và xâm hại cho trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO