Hiệu quả phát triển nông nghiệp đô thị

H. KỲ| 29/10/2018 09:24

KHPTO - Theo ông Trần Trường Sơn, phó chủ tịch Hội nông dân TP.HCM, việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, hiện đại, công nghệ cao là chủ trương xuyên suốt của TP.HCM trong suốt thời gian qua.

Trước đó, với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào những lĩnh vực như trồng hoa lan, cây cảnh, bonsai, rau an toàn... tạo ra nhiều sự chuyển biến và bộ mặt nông nghiệp đô thị mang tính đặc trưng của thành phố.

Mặt tích cực của việc hỗ trợ lãi suất chính là kích thích các doanh nghiệp, người nông dân bỏ vốn ra đầu tư theo cơ chế 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra, thu hút, tranh thủ được 20 - 30 đồng vốn từ nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, vì mục tiêu chung.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân mạnh dạn tìm hiểu, ứng dụng công nghệ cao, thay đổi trang thiết bị máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất, liên kết chuỗi, thành lập các tổ hợp tác xã hoạt động có quy mô, bài bản để cùng nhau phát triển.

Có thể kể ra một vài mô hình đã thành công từ khi có nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tạo ra động lực đổi mới như Hợp tác xã Phước An (Bình Chánh) chuyên trồng rau sạch, Hợp tác xã lan Huyền Thoại, cá kiểng Châu Thống... không chỉ cung ứng cho thành phố mà đã vươn ra trở thành mặt hàng thương phẩm có giá trị xuất khẩu đi nước ngoài.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân vẫn chưa chủ động đầu tư để được hưởng nguồn hỗ trợ lãi suất này từ ngân sách thành phố. Một phần do sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ còn lỏng

lẻo nên đến khi sản xuất ra sản phẩm thì không tìm được thị trường bán hàng nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Mặt khác, phần lớn người nông dân khi nói đến lập phương án sản xuất để có điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, phục vụ mở rộng sản xuất thường có tâm lý e ngại, thậm chí không biết bắt đầu từ đâu.

Vì vậy, quan trọng để việc thu hút nguồn lực xã hội, từ các tổ chức, cá nhân đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố đúng hướng, đúng trọng điểm thì trước hết phải phổ biến để doanh nghiệp, người dân nắm rõ chủ trương, chính sách, tập huấn cách làm cho người nông dân, tạo mối liên kết giữa khâu sản xuất và tiêu thụ... Có như vậy, hiệu quả mới thực sự phát huy và đồng vốn từ ngân sách bỏ ra mới đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời tránh thất thoát, lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả phát triển nông nghiệp đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO