Hiệu quả của mô hình quỹ giáo dục của đại học

N. QUỲNH| 07/07/2019 11:34

KHPTO - Được thành lập theo quyết định của UBND TP.HCM vào ngày 29/7/2009, Quỹ phát triển Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoạt động theo mô hình quỹ giáo dục của đại học.

Trải qua 10 năm hoạt động, Quỹ phát triển ĐHQG-HCM đã xây dựng cơ chế tài chính khả thi, giúp ĐHQG-HCM tiếp nhận sự đóng góp của doanh nghiệp, xã hội trong tiến trình tự chủ của mình. Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Tứ, phó giám đốc phụ trách quỹ, từ năm 2009 đến nay, thông qua vận động tài trợ của doanh nghiệp và xã hội, quỹ đã đạt nguồn thu gần 200 tỷ đồng. Trong đó, gần 120 tỷ đồng dành cho phát triển cơ sở vật chất như trang bị nội thất của 19 khu nhà ký túc xá khu B, tài trợ cho Trung tâm phát triển công nghệ ngân hàng tại ĐHQG-HCM (17 tỷ), phòng thực hành thăm dò chức năng của khoa y ĐHQG-HCM (11,5 tỷ), phòng truyền thống ĐHQG-HCM (1 tỷ), phòng đọc Hoa Sen (800 triệu), tăng cường hệ thống máy tính cho thư viện trung tâm (1 tỷ)...

Quỹ cũng dành hơn 16,7 tỷ đồng cho các chương trình học bổng sinh viên như: học bổng sinh viên xuất sắc, học bổng sinh viên thủ khoa đầu vào - đầu ra, học bổng sau đại học, học bổng sinh viên khó khăn, học bổng Ordon Vallet, học bổng Toshiba, học bổng Pony Chung... Riêng năm học 2018 - 2019, quỹ đã trao 416 triệu đồng cho sinh viên thủ khoa đầu vào của các trường thành viên ĐHQG-HCM.

Ngoài ra, quỹ còn hỗ trợ các hội thảo, hội nghị quốc tế, phát triển của các trung tâm nghiên cứu như hội thảo bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017, hội nghị lãnh đạo quan hệ quốc tế ASEAN+3, dự án giáo dục VER-VEC... Những chương trình này đã đóng góp thiết thực cho công tác giáo dục - đào tạo và sự phát triển của ĐHQG-HCM nói riêng, giáo dục đại học Việt Nam nói chung...

Để vận hành hiệu quả, hệ thống quản trị của quỹ được tổ chức thành 4 bộ phận: hội đồng quản lý, ban cố vấn, ban kiểm soát và ban điều hành. Thành viên của các ban là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý giáo dục, kinh doanh, truyền thông, đầu tư tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Tiêu biểu như ông Lê Phước Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen; ông Đặng Lê Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty xây lắp thương mại 2 - Bộ công thương; ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC); ông Phạm Phú Quốc, phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM...

Theo ông Đặng Hoài Đức, phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank Việt Nam, đây là mô hình quỹ giáo dục tối ưu trong việc thực hiện sứ mệnh giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Đồng hành cùng quỹ, ông Đức cho biết, Vietcombank đã hỗ trợ cho nhiều hoạt động, như tài trợ 10 tỷ đồng cho dự án “Cung cấp hệ thống trang thiết bị cho phòng thăm dò thực hành chức năng của khoa y ĐHQG-HCM” năm 2013, tài trợ 570 triệu đồng cho học bổng sinh viên thủ khoa đầu vào từ 2015 đến nay, hỗ trợ 700 triệu đồng trao học bổng cho sinh viên Trường đại học kinh tế - luật ĐHQG-HCM...

PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian tới, quỹ tập trung vào 5 định hướng phát triển, gồm: nâng cao năng lực vận động tài trợ; đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh, khai thác hiệu quả tài chính để có nguồn thu ổn định; tăng cường tài trợ cho học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất tại ĐHQG-HCM; cải thiện hoạt động truyền thông của quỹ; hoàn thiện cơ cấu nhân sự, xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp cho hoạt động quản lý, quản trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả của mô hình quỹ giáo dục của đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO