Hiện trạng và giải pháp khởi nghiệp trong nông nghiệp

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 21/11/2017 14:00

KHPTO - Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp (NN) khi đây là ngành có sức lan tỏa lớn nhất, có tính kết nối cao với nhiều ngành kinh tế với 50% lực lượng lao động cả nước đang làm việc trong lĩnh vực NN và 70% dân số sống ở nông thôn, thu nhập trong NN sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sức cầu của thị trường nội địa và tiềm năng đầu tư dài hạn.

NN Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế đất nước và ổn định chính trị xã hội. Trong lĩnh vực NN, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển DNNN khoảng 40%; trong đó DN có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20 – 30%.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hải An – Trung tâm ươm tạo DNNN công nghệ cao – thì tăng trưởng và phát triển NN trong thời gian qua chủ yếu dựa trên thâm dụng đầu vào sản xuất (vốn, vật tư), nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. NN Việt Nam phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm - thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN, trong đó DN FDI chỉ chiếm 3%, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực NN cũng chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 1% và chỉ chiếm 2,3% về lao động. Tăng trưởng GDP NN có xu hướng giảm dần.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Số lượng các DNNN chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển chậm. Thêm vào đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển NN nông thôn chưa tương xứng, đầu tư của xã hội cho NN nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước; đầu tư của DN tư nhân trong nước còn thấp. Thực tế chưa đến 1% DN tại Việt Nam đầu tư vào NN vì lĩnh vực này quá nhiều rủi ro, khả năng thu hồi vốn chậm, điều kiện vay vốn, nhận hỗ trợ vốn khó khăn, chưa kể đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc khác.

NN chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích và tăng vụ. Sản xuất NN đã và đang gây tác động tiêu cực đến môi trường như: mất đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, đất đai bị bạc màu, chi phí sản xuất tăng đã đe dọa tính bền vững của tăng trưởng ngành NN.

Bên cạnh đó, nguồn lực cho tăng trưởng NN ngày càng suy giảm, chi phí sản xuất ngày càng cao; tình trạng sản xuất NN manh mún, ruộng đất bị xé lẻ, phần lớn nông hộ có diện tích đất nhỏ, rải rác làm tăng rủi ro, ngăn cản quá trình áp dụng công nghệ tiên tiến; công nghiệp chế biến nông sản ở nước ta vẫn còn kém phát triển; năng lực các DN sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản còn hạn chế. Đặc biệt, việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến nông sản được đưa vào ứng dụng sản xuất chưa nhiều nên năng suất, chất lượng hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản còn thấp. Việc ứng dụng công nghệ cao trong NN chưa được triển khai đồng bộ, bước đầu mới hình thành các khu NN ứng dụng công nghệ cao, chưa lan tỏa các thành tựu của NN công nghệ cao trong cả nước.

Những quy định về cắt giảm thuế suất của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ tham gia như: FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA cộng đồng kinh tế ASEAN... được áp dụng thì nông sản Việt sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh thách thức đến từ thị trường thì biến đổi khí hậu cũng là một trong những khó khăn đối với ngành NN trong những năm gần đây.

Như vậy có thể thấy, ngoài những cơ hội có được thì nền NN nước ta cũng đứng trước những thách thức lớn trong xu thế hội nhập. Điều này đòi hỏi các DN, nông dân phải thay đổi, tăng cường phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển để phù hợp với xu thế hội nhập chung của thế giới. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao là hướng đi duy nhất, mang tính tất yếu trong việc phát triển nền NN nước ta trong thời gian tới.

Bàn về các giải pháp cụ thể hiện nay, theo TS. Nguyễn Hải An, Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể và đầu tư đủ mạnh, có trọng điểm để NN có khả năng nhanh chóng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, phát triển thành một nền NN tiên tiến, có giá trị gia tăng cao.

Để đẩy mạnh thu hút DN đầu tư, cần có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp DN sản xuất NN ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất thay cho các hình thức canh tác truyền thống. Đồng thời, mở rộng đầu tư hạ tầng, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có nguồn vốn đầu tư cho những sáng kiến khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo máy móc, thiết bị; có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đầu tư trong NN.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư, nhất là các DN liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, DN chế biến, sản xuất giống, vật tư và các DN sử dụng nhiều lao động ở nông thôn....

Tăng cường sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà DN) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Đầu tư mạnh cho nghiên cứu về thị trường, về thể chế và chính sách NN. Đầu tư nghiên cứu khoa học có định hướng để tăng cường năng lực về khoa học công nghệ.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, rút bớt lao động NN khỏi khu vực nông thôn là giải pháp có tính then chốt, đột phá để tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng của ngành NN.

Phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất NN, chú trọng phát triển các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hình thành hệ sinh thái KN trong lĩnh vực NN công nghệ cao trong đó tập trung hỗ trợ các chủ thể trong hệ sinh thái như các cơ sở ươm tạo, nghiên cứu ứng dụng …

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện trạng và giải pháp khởi nghiệp trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO