Hệ thống thông minh hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán tai biến mạch máu não

Như Hoa| 18/01/2018 16:04

KHPT-Nhóm nghiên cứu Lê Thị Hoàng Yến, Phan Anh Cang, Trường đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; Phan Thượng Cang, Trường đại học Cần Thơ đã đưa ra một kiến trúc hướng dịch vụ cho hệ thống tri thức hướng dữ liệu lớn trên ảnh y khoa xuất huyết não.

Xếp sau nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (TBMMN) được xem là nguyên nhân thứ hai dẫn đến các ca tử vong ở người. Việc chẩn đoán đột quỵ, đặc biệt là dạng xuất huyết não (cấp tính) phụ thuộc vào hình ảnh thần kinh học với các phương tiện thu nhận ảnh được sử dụng phổ biến bao gồm MRI, CT scanner, DSA, siêu âm. Như một hệ quả, các bác sĩ điều trị đột quỵ phải làm quen với hầu hết những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thông thường. Qua đó, có thể thấy việc chẩn đoán TBMMN vẫn còn thực hiện thủ công và mang tính chủ quan cao do phụ thuộc quá nhiều vào khả năng quan sát, phân tích và trình độ chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa. Một vấn đề đáng quan ngại hơn đó là lực lượng bác sĩ có đủ trình độ trong việc chẩn đoán này còn rất mỏng, lại phân bố không đều giữa các tuyến, đặc biệt là bệnh viện địa phương, nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân TBMMN.

Thực trạng trên cho thấy tính cấp thiết của việc xây dựng và triển khai hệ thống tri thức hỗ trợ hiệu quả trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời bệnh nhân TBMNN.

Một lượng lớn dữ liệu ảnh CT/MRI cùng với dữ liệu bệnh án, các báo cáo y tế đính kèm (được gọi là meta-data) đang được lưu trữ tại các bệnh viện phục vụ cho công tác điều trị bệnh. Các dữ liệu này kết hợp với các nguồn thông tin khác trên Internet sẽ cung cấp cho đội ngũ y bác sĩ những tư liệu quý giá cho việc chẩn đoán lâm sàng và dự đoán kết quả. Tuy nhiên, thật không may khi các kho dữ liệu này thường ở dạng đóng, không được chia sẻ hay cho phép truy xuất giữa các bệnh viện hoặc giữa các bác sĩ với nhau khi họ có nhu cầu tham khảo các trường hợp bệnh lý tương tự. Thậm chí, không ít trường hợp bác sĩ đã từng điều trị cho bệnh nhân nhưng vẫn không nhớ tên hay các thông tin trước đây có liên quan đến bệnh, do việc lưu trữ chủ yếu được thực hiện một cách thủ công trên giấy tờ. Thực trạng này làm cho việc điều trị trở nên khó khăn, thiếu kịp thời và tính hiệu quả chưa cao.

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật ảnh y khoa, bên cạnh việc gia tăng về số lượng, độ phức tạp của dữ liệu ảnh sọ não cũng không ngừng được nâng cao. Việc lưu trữ, quản lý cũng như truy vấn nhanh chóng và hiệu quả kho dữ liệu ảnh là vấn đề cấp thiết. Hay nói khác hơn đó là việc đảm bảo đạt độ chính xác cao trong tìm kiếm và tính toán hiệu quả.

Trong nghiên cứu này, các tác giả đề xuất một định hướng mới cho kiến trúc của hệ thống quản lý tri thức (KMS - knowledge management system) trong chẩn đoán xuất huyết não. Kiến trúc mới cung cấp khả năng phát triển tri thức bệnh xuất huyết não một cách có hệ thống và đầy đủ (bao gồm khai phá và khai thác tri thức). Các KMS được triển khai có thể hỗ trợ hiệu quả và kịp thời cho việc chẩn đoán cũng như điều trị, từ đó có thể nâng cao chất lượng chẩn đoán xuất huyết não nói riêng, chẩn đoán y khoa nói chung.

Ngoài ra, kiến trúc đề xuất có thể được mở rộng nhằm phát triển hệ thống tri thức toàn diện hơn phục vụ chẩn đoán và giáo dục y khoa. Dựa trên kiến trúc, hệ thống được xây dựng sẽ phát triển theo hướng mở và chia sẻ (SOA) với sự tham gia đóng góp từ các chuyên gia, bác sĩ, bệnh viện và viện nghiên cứu. Hướng đến tầm xa hơn, kiến trúc được đề xuất sẽ có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển y tế cộng đồng tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu hiện đang phát triển một hệ thống quản lý tri thức dựa trên kiến trúc đề xuất trên và sẽ triển khai thử nghiệm tại một bệnh viện thành phố Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống thông minh hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán tai biến mạch máu não
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO