Hệ sinh thái Fintech và những xu hướng trong đào tạo ở Việt Nam

Anh Thư| 01/03/2019 08:06

KHPTO - Fintech (Financial technology) – công nghệ tài chính, một thuật ngữ mới nổi từ sau 2008 trong cả giới hàn lâm và nhà quản trị, là sự kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới sáng tạo (ĐMST) đột phá trong công nghệ thông tin và ứng dụng vào ngành tài chính ngân hàng, cho phép ra đời sản phẩm mới và phương thức cung cấp dịch vụ mới được cho là ưu việt hơn các phương thức truyền thống.

Theo nhóm nghiên cứu Lê Quốc Thành, Trường đại học tài chính – marketing, Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường đại học kinh tế TP.HCM, làn sóng ĐMST này tạo ra nhiều thách thức, cơ hội cho ngành tài chính nói chung và các ngành hỗ trợ có liên quan, trong đó đào tạo nhân lực là một thành tố quan trọng của hệ sinh thái Fintech.

Fintech là gì?

Thuật ngữ Fintech được bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá khứ, sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và tài chính ngân hàng đã bắt đầu từ thế kỷ 19 khi thông tin được truyền bằng tín hiệu Morse và hạ tầng thông tin được phát triển giữa các trung tâm giao dịch hàng hóa lớn có nhu cầu thanh toán liên vùng nhanh và an toàn. Thanh toán qua hệ thống thông tin liên lạc lần đầu được cho là thực hiện bởi Western Union in 1872 dựa trên mạng thông tin điện tín.

Người gửi tiền thanh toán đến nộp tiền cho bưu điện nhận thanh toán kèm tên địa chỉ người nhận, bưu điện phát thanh toán mời người nhận, kiểm tra nhân thân và giao tiền sau đó cân đối với bưu cục nhận thanh toán. Kể từ 1872 cho đến 1987, tiến bộ trong công nghệ thông tin liên lạc ngày phát triển hỗ trợ phát triển các dịch vụ ngân hàng tài chính. Thời kỳ này được một số học giả gọi là Fintech 1.0, biểu trưng bằng quá trình phát triển truyền tín hiệu thông tin từ tín hiệu điện từ, tín hiệu radio, telex, tín hiệu tương tự (analog).

Từ 1987-2008, khi Internet phát triển mạnh cho phép tín hiệu dạng số (digital) được truyền và truy cập gần như không giới hạn giúp nhiều dịch vụ tài chính ngân hàng được thực hiện thông qua Internet. Phát triển này góp phần làm giảm đáng kể chi phí hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tài chính giúp cung cấp dịch vụ rẻ cạnh tranh hơn cho khách hàng. Điển hình là nhiều dịch vụ của ngân hàng và các tổ chức tài chính được giao tiếp với khách hàng hoàn toàn dựa trên các trang Web, internet và máy tính cá nhân. Thời kỳ này được cho là thời kỳ Fintech 2.0. Tuy nhiên, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng hoạt động của ngành tài chính ngân hàng vẫn tồn tại một số hạn chế truyền thống.

Fintech ra đời sau năm 2008 được cho là bước đi đột phá có thể góp phần làm giảm các hạn chế lúc đó mà vẫn giúp ngành tài chính ngân hàng ngày càng tăng khả năng cạnh tranh. Cụ thể, việc kết hợp giữa những thành tựu mới trong công nghệ thông tin cho phép ra đời các sản phẩm tài chính, bảo hiểm, …, cũng như phương thức cung ứng giao tiếp mới với khách hàng, theo tiêu chí “tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn”. Thời kỳ từ 2009 cho đến hiện tại được gọi là thời kỳ Fintech 3.0. Cụ thể Fintech hiện đang được ứng dụng trong tài chính ngân hàng trong ba nhóm (1) cho vay/tiền gửi/huy động vốn; (2) thanh toán (bán buôn, bán lẻ); (3) quản lý đầu tư.

Xu hướng đào tạo về tài chính và quản trị phục vụ hệ sinh thái Fintech

Theo khảo cứu đến năm 2018, số lượng các đại học trên thế giới đào tạo cao học chuyên ngành Fintech còn rất khiêm tốn. Nhóm tác giả đề xuất cách tiếp cận về đào tạo một cách thận trọng nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro thấp nhất cho người học cũng như cần thời gian cho công tác chuẩn bị của các cơ sở đào tạo.

Trước tiên cần trang bị bổ sung cho các sinh viên bậc đại học ngành tài chính ngân hàng các kiến thức về các sản phẩm tài chính hiện có đang sử dụng Fintech cũng như các yêu cầu hạ tầng căn bản và cách thức các sản phẩm dịch vụ đó được tiếp thị và cung cấp.

Cần hình thành các câu lạc bộ chuyên về Fintech nơi sinh viên chuyên ngành tài chính ngân hàng có các hoạt động trao đổi với sinh viên ngành công nghệ thông tin, sinh viên ngành luật, các nhà khởi nghiệp Fintech, các chuyên gia Fintech và các tổ chức tài chính ngân hàng truyền thống đang mong muốn chuyển đổi dịch vụ theo sự phát triển của Fintech. Tại các CLB này, kiến thức về khởi nghiệp ĐMST cũng cần được cổ súy trao đổi dưới các hình thức hội thảo nhóm, hay các khóa học ngắn hạn.

Bước tiếp theo là bổ sung một số môn học về Fintech trong chương trình chính khóa cho bậc cao học, đại học như : tổng quan về Fintech, thị trường, đồng tiền và các giao dịch trong tương lai với ứng dụng Fintech. Các khóa này nên được thiết kế trọng tâm vào ứng dụng, giành thời gian nhất định trong khóa học để có các trao đổi giữa sinh viên, giảng viên và chuyên gia Fintech, chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành tài chính ngân hàng. Thông qua các hoạt động này, không chỉ sinh viên mà cả các giảng viên sẽ có cơ hội trao đổi kiến thức thực tiễn về Fintech, kết hợp với công tác tự nghiên cứu nhằm hoàn thiện kiến thức/khả năng của giảng viên cho các chương trình đào tạo chuyên ngành về Fintech trong tương lai gần.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, Fintech hiện là một chuyên ngành mới đang phát triển mạnh, tuy ở thời kỳ đầu nhưng chắc chắn hứa hẹn bùng nổ trong tương lai gần. Trường đại học với vai trò đào tạo nhân lực cốt lõi cho các ngành kinh tế trong xã hội, cần gấp rút nghiên cứu và hoạch định chiến lược phát triển chuyên ngành này trong tương lai gần. Trước mắt, những hoạt động hội thảo, đào tạo huấn luyện ngắn hạn liên quan đến Fintech, khởi nghiệp ĐMST trong ngành tài chính ngân hàng cần được thực hiện cho các sinh viên chuyên ngành tài chính bên cạnh việc thu hút các chuyên gia được đào tạo chuyên ngành từ nước ngoài kết hợp với các giảng viên nhiều kinh nghiệm có khả năng tự học hỏi và nghiên cứu chuyên ngành mới, làm nòng cốt cho phát triển chương trình đào tạo về Fintech ở cấp độ chuyên sâu trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ sinh thái Fintech và những xu hướng trong đào tạo ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO