Hễ miễn dịch tạo kháng thể ở người đã bị nhiễm SARS-CoV-2

PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC| 24/07/2020 07:10

KHPTO - Có khám phá cho thấy, đa số bệnh nhân Covid-19 có tạo kháng thể, nên dù bị nhiễm lần thứ nhì sẽ không bị nặng như nhiễm lần đầu. Tin này rất có ích trong việc phát triển thuốc chủng ngừa Covid-19.

Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy 33% số bệnh nhân bị Covid-19 trong cuộc thử nghiệm không được chữa trị nhưng lành bệnh có mức kháng thể không đủ để chống lại cuộc tấn công kế tiếp. Con số 33% xem như thiểu số, như vậy, đa số bệnh nhân Covid-19 mặc dù không được chữa trị vẫn có đủ kháng thể bảo vệ. Đặc biệt, trong một thử nghiệm khác, các bệnh nhân nếu được nhập viện chữa trị sớm thì có thể có kháng thể để trung hòa, vì thế có thể được miễn nhiễm trong tương lai.

Hệ miễn dịch tạo kháng thể ra sao ở người nhiễm SARS-CoV-2?

Khi virus là SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, đầu tiên các “anh lính” của hệ miễn dịch là “thực bào” (macrophage), một loại tế bào bạch cầu, lao đến tấn công “ăn thịt” virus, đồng thời gửi cảnh báo thông tin đến toàn hệ miễn dịch là có kẻ thù xâm nhập. Các “anh lính” này dồn về đóng quân tại các căn cứ gần quân địch nhất, đó là các hạch bạch huyết (nằm ở mang tai, cổ, nách, bẹn). Vì vậy chúng ta thấy khi có tác nhân lạ gây viêm nhiễm thì các hạch này sẽ sưng to lên.

Kế tiếp, các tế bào bạch cầu, đặc biệt là các tế bào B (B-cell hay còn gọi là B-lymphocytes) xung trận. Tế bào B phát sinh từ tủy xương và tăng trưởng trong các dịch cơ thể. Các tế bào B có khả năng phân biệt các tế bào của ta (trong cơ thể) và tế bào lạ là mầm bệnh xâm nhập. Các tế bào B sẽ bám lấy chất lạ là mầm bệnh, và có phản ứng bằng cách sản xuất thật nhiều chất gọi là kháng thể. Đó chính là các immunoglobin (Ig), đặc biệt IgM, là các protein đặc biệt có tác dụng vô hiệu hóa các kháng nguyên tương ứng là mầm bệnh.

Mỗi tế bào lympho B tạo ra một kháng thể cụ thể. Ví dụ, một số tế bào B có thể tạo ra một kháng thể chống lại vi khuẩn gây viêm phổi, trong khi một số khác có thể nhận diện và chống virus gây cảm lạnh thông thường. Các virus ngay lập tức bị vũ khí “kháng thể” này bám chặt vào bề mặt và vô hiệu hóa, không cho xâm nhập vào các tế bào khác.

Đặc biệt, có một số tế bào B biến dạng để trở thành “tế bào nhớ” (memory cells). Các tế bào này sống rất lâu trong cơ thể và “nhớ” rất lâu những mầm bệnh mà chúng đã có lần tấn công, nên sau này có khả năng sản xuất nhanh chóng kháng thể chuyên biệt gọi là immunoglobin IgG để chống lại mầm bệnh mà cơ thể đã bị nhiễm trước đây nay nhiễm lại. Các “tế bào nhớ” lưu thông trong toàn cơ thể giúp cho con người giữ được tính miễn nhiễm nhiều năm, sẵn sàng chống lại một loại bệnh nào đó nếu họ bị nhiễm lại sau này. Immunoglobin IgG đặc biệt này cũng được dùng làm vaccin ngừa chống bệnh hoặc làm “thuốc thử” (test kit) để chẩn đoán bệnh.

Có loại tế bào bạch cầu gọi là tế bào lympho T. Đặc biệt có tế bào lympho T gọi là các tế bào Helper T (tế bào lympho T giúp đỡ) - phối hợp các phản ứng miễn dịch bằng cách kích thích tế bào B tạo ra nhiều kháng thể hơn.

Sau một tuần nhiễm bệnh sốt và mệt mỏi do nhiễm virus như SARS-CoV-2 chẳng hạn, người bệnh phục hồi do hệ miễn dịch đã tạo kháng thể hữu hiệu để chống lại virus. Thông tin về kháng thể sinh ra sẽ được lưu trữ trong cơ thể để những lần sau nếu virus này xâm nhập thì cơ thể có ngay vũ khí chống lại mà không phải chờ lâu.

Người nhiễm SARS-CoV-2 lành bệnh nhưng không có đủ kháng thể sẽ ra sao?

Phần trình bày hoạt động của hệ miễn dịch tạo kháng thể ở trên là bình thường khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng cơ thể khi bị dịch Covid-19, hệ miễn dịch có thể có 2 bất thường.

Thứ nhất, ở bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2, hệ miễn dịch lại sinh ra phản ứng viêm quá mạnh để ngăn chặn virus. Thay vì gửi số tế bào bạch cầu vừa đủ thì hệ miễn dịch lại gửi “hàng hà sa số” tế bào bạch cầu, dẫn đến phản ứng viêm không thể kiểm soát, không chỉ ở phổi mà còn gây loạn khắp cơ thể. Ngoài ra, còn kèm theo chất sinh học cytokine phóng thích ồ ạt gây độc gọi là “cơn bão cytokine” do hệ miễn dịch phản ứng “quá mạnh”, gây tỷ lệ tử vong cao ở người “bệnh nặng”.

Thứ hai, như trình bày ở trên, có một số ít số bệnh nhân bị Covid-19 trong một cuộc thử nghiệm không được chữa trị nhưng lành bệnh có mức kháng thể không đủ để chống lại cuộc tấn công kế tiếp của SARS-CoV-2.

Cả hai bất thường về kháng thể của người bị dịch Covid-19 vừa nêu rất may là ngày nay ngành y đã trị được. Đối với “cơn bão cytokine” do hệ miễn dịch phản ứng “quá mạnh”, gây tỷ lệ tử vong cao ở người “bệnh nặng”, người ta dùng thuốc dexamethasone trị Covid-19 nhờ tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch quá tốt của nó. Nó ức chế miễn dịch làm dịu phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, và chống viêm làm nhẹ đi triệu chứng viêm phổi khi “bệnh nặng”. Còn bất thường thứ hai, có mức kháng thể không đủ để chống lại cuộc tấn công kế tiếp của SARS-CoV-2, người ta khắc phục bằng cách phát hiện người bị bệnh Covid-19 thật sớm và chữa trị ngay. Như vậy, biện pháp “Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời” là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hễ miễn dịch tạo kháng thể ở người đã bị nhiễm SARS-CoV-2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO