HD - giải pháp cho công nghệ chiếu phim tại Việt Nam

<_o3a_p>| 01/01/2010 10:39

Hiện nay, mỗi năm có 130 - 150 phim được ra rạp ở nước ta, nhưng phim Việt chỉ chiếm 5 - 7% (khoảng 3 - 4 phim), cao nhất là 10%. Nếu để sang một bên chuyện thiếu kịch bản, chưa đủ đạo diễn giỏi, dàn diễn viên mãi vẫn không tìm được những gương mặt mới, xuất sắc... thì công nghệ sản xuất và chiếu phim là vấn đề nổi cộm. Giải pháp được đề xuất là nâng cấp rạp chiếu thành một nơi cung cấp các dịch vụ giải trí, mua sắm đạt tiêu chuẩn (cineplex), đầu tư thay đổi công nghệ chiếu phim, cụ thể là đưa công nghệ HD vào rạp chiếu.

Thực trạng rạp thiếu phim, phim không có rạp

Tính trên cả nước, tổng giá trị các rạp chiếu phim thuộc quản lý của nhà nước là hơn 5.400 tỷ đồng (tương đương 300 triệu đô la Mỹ). Tuy được xây dựng ngay trung tâm thị xã hoặc thành phố nhưng đa số rạp trong hệ thống này đã xuống cấp trầm trọng, nhiều rạp còn không có máy chiếu phim nhựa 35 mm, nên được cho thuê làm tiệc cưới, hội nghị. Ở các thành phố lớn, nơi có sự xuất hiện của hệ thống rạp do tư nhân và nước ngoài đầu tư, thì khán giả càng quay lưng lại với rạp nhà nước vừa cũ kỹ vừa đơn điệu lại chẳng có lấy một chiến dịch tiếp thị. Bên cạnh đó, tuy cả nước có 7 đơn vị nhập phim nhưng chỉ có hai đơn vị là MegaStar và Thiên Ngân có được nguồn phim dồi dào. Và hai đơn vị tư nhân này lại có một hệ thống rạp được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt hơn hẳn rạp nhà nước nên khán giả đến với họ ngày một đông hơn. Cũng từ lợi thế đó, hai đơn vị này đã và đang gây sức ép lên các rạp khác trên toàn quốc, với điều kiện ngặt nghèo: mua khoán, chỉ nhượng bản quyền sau khi chiếu tại rạp của họ 3 - 4 vòng (một vòng phim kéo dài từ 2 - 3 tuần). Trong tình hình nạn băng đĩa lậu vẫn chưa được kiểm soát như hiện nay, người dân chẳng đủ tình yêu dành cho điện ảnh để chờ cho tới khi phim ra rạp mà thưởng thức.

Đối với phim Việt, hầu như chúng ta chỉ sản xuất phim như sản xuất bánh Trung thu, tức mỗi năm chỉ làm phim cho một mùa Tết. Mà việc in tráng phim nhựa để mang về các tỉnh chiếu cũng chẳng hề đơn giản và chi phí lại đắt đỏ nên rạp chiếu phim càng vắng vẻ và nhiều khả năng sẽ bị bán đi (như 7 rạp: 29/3, Hải Vân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng A, Đà Nẵng B, Công Nhân, Lê Độ ở TP. Đà Nẵng). Trong khi đó, với nỗ lực tạo nên một mùa phim cuối năm song song với phim Tết, cặp diễn viên chính đồng thời là nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn, đã khởi chiếu bộ phim Bẫy rồng vào ngày 18/12 nhưng họ cho biết, tìm rạp chiếu quá vất vả. MegaStar, nơi có hệ thống rạp tốt nhất ở nước ta hiện nay, từ chối chiếu Bẫy rồng tại tất cả các cụm rạp. Còn các rạp của nhà nước thì xập xệ, khán giả chưa chắc chịu mua vé. Cùng suy nghĩ, đạo diễn, NSƯT Lý Huỳnh, nhà sản xuất phim Tây Sơn hào kiệt, cũng rất băn khoăn về khả năng thu hồi vốn cho bộ phim có kinh phí 12 tỷ này khi ra rạp.

Giải pháp mang tên HD

Trước nghịch lý thừa mà thiếu này, Công ty Vinamedia được thành lập tháng 12/2009, cùng thời điểm diễn ra Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16, do một số hãng phim tư nhân góp vốn với mục tiêu tham gia cải tổ hệ thống rạp chiếu phim thuộc quyền quản lý của nhà nước để lập lại thế cân bằng với rạp chiếu tư nhân. Giải pháp được ông Trần Văn Hùng - tổng giám đốc Vinamedia - đưa ra và nhiều người đồng thuận là nâng cấp rạp chiếu thành một nơi cung cấp các dịch vụ giải trí, mua sắm đạt tiêu chuẩn (cineplex), đầu tư thay đổi công nghệ chiếu phim, cụ thể là đưa công nghệ HD vào rạp chiếu. Hai việc này phải được tiến hành song song thì mới có thể kéo khán giả đến rạp, đồng thời tạo tiền đề để hỗ trợ cho nhà sản xuất và phát hành phim trong nước.

Trên thế giới, các thuật ngữ HD (high definition - độ phân giải/nét cao), HDTV (high definition television - truyền hình có độ nét cao), D-Cinema (digital cinema - điện ảnh kỹ thuật số), không còn xa lạ. Ông Đỗ Duy Anh - phó văn phòng Hợp tác quốc tế của Cục điện ảnh Việt Nam, dựa trên một số nguồn tư liệu, cho biết: “Từ năm 1999, tại Mỹ D-Cinema đã xuất hiện, đến nay có 5.600 rạp chiếu phim kỹ thuật số. Năm 2005, tại Pháp đã có 400 màn hình NetScreen. Nước láng giềng chúng ta, Thái Lan, hiện có 50 rạp chiếu phim kỹ thuật số. Theo dự đoán, năm 2010, toàn thế giới có 17.000 rạp chiếu phim kỹ thuật số. Hai năm sau, 2012, D-Cinema sẽ chiếm 48% rạp chiếu phim trên toàn thế giới”. Vì thế, việc chúng ta xây dựng hệ thống rạp chiếu phim kỹ thuật số là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển công nghệ chiếu phim toàn cầu.

Ông Trần Văn Hùng cho biết, trong giai đoạn đầu, Vinamedia sẽ đầu tư thiết bị (bao gồm máy chiếu và màn hình HD) đồng thời sẽ phụ trách cả việc nhập phim định dạng HD để cung cấp cho khoảng 30 rạp trong cả nước. Các rạp sẽ thỏa thuận với Vinamedia về việc chia tỷ lệ lợi nhuận bán vé để khấu trừ vốn với công ty. Nhưng để cải tạo một rạp chiếu phim nhựa hiện đang có thành một rạp chiếu phim kỹ thuật số, chỉ tính chi phí cho việc trang bị kỹ thuật, thì phải tốn ít nhất 400.000 đô la Mỹ (tương đương với 7,2 tỷ đồng). Một con số quá lớn! Vì vậy, việc chuyển đổi này cần được sự đồng thuận của nhiều phía và phải tính toán kỹ lưỡng.

Cũng có người đặt vấn đề: “HD là giải pháp tình thế hay chiến lược phát triển của điện ảnh Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam?”. Ở thời điểm hiện nay, việc đưa công nghệ HD vào hệ thống rạp chiếu là cần thiết, vì hầu hết phim do Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam sản xuất được quay bằng máy kỹ thuật số. Nếu có một hệ thống rạp chiếu tương thích thì sẽ thúc đẩy việc làm phim trong nước đồng thời đáp ứng được nhu cầu giải trí của công chúng, khi họ đang phải giải cơn khát xem phim định dạng HD tại một số quán cà phê có chiếu phim HD.

CẨM PHÔ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HD - giải pháp cho công nghệ chiếu phim tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO