Hãy chấm dứt sử dụng sừng tê giác!

T.H| 27/04/2015 15:50

Trung tuần tháng 4 vừa qua, diễn viên gốc Việt Maggie Q, một trong số các đại sứ của Tổ chức cứu trợ hoang dã (WildAid) đã sang Việt Nam để kêu gọi “Chấm dứt sử dụng sừng tê” thuộc chương trình “Không có người mua, không còn kẻ giết” được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức cứu trợ hoang dã (WildAid), Quỹ hoang dã châu Phi (African Wildlife Foundation) và Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE).

Thông điệp mạnh mẽ

“Chấm dứt sử dụng sừng tê” là một chiến dịch kéo dài 3 năm được WildAid và các đối tác của tổ chức này khởi động vào năm 2014 nhằm giảm nhu cầu về sừng tê ở Việt Nam - để ứng phó với việc số lượng tê giác trên thế giới đã giảm đi rất nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong năm qua, chiến dịch đã có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam trong vai trò đại sứ và người ủng hộ để giúp gửi các thông điệp về bảo vệ tê giác đến hàng triệu người. Từ chia sẻ trên Facebook đến sáng tác bài hát, từ tham gia các buổi chụp hình của chiến dịch đến phát biểu tại các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức, các đại sứ nổi tiếng này đã dùng ảnh hưởng của mình để tiếp cận và thay đổi sự tin tưởng vô căn cứ của người Việt Nam vào khả năng chữa bệnh của sừng tê.

Phát biểu tại sự kiện “Về miền hoang dã” được tổ chức tại Việt Nam, Maggie Q cho biết: “Tôi rất ấn tượng với con số các nghệ sĩ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có mặt tại đây hôm nay để ủng hộ chiến dịch. Tôi rất buồn khi biết về số lượng tê giác đã bị giết để lấy sừng mang bán ở Việt Nam. Tôi tin rằng Việt Nam có thể trở thành một nước đi đầu trong việc chấm dứt nạn buôn bán sừng tê. Cùng hợp tác với nhau, chúng ta có thể chấm dứt việc giết hại một cách dã man và vô lý loài tê giác tuyệt vời này.”

Trong khuôn khổ chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê”, Trung tâm CHANGE kết hợp với Tổ chức WildAid đã công bố chiến dịch “Ký tên cứu tê giác” từ tháng 3/2015. Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người Việt Nam về tác dụng thực sự của sừng tê và kêu gọi cộng đồng cùng hành động bảo vệ các loài tê giác trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Để hưởng ứng chiến dịch, lần đầu tiên, hàng chục nghệ sĩ, người nổi tiếng đến từ các lĩnh vực khác nhau của Việt Nam đã chụp hình với thông điệp “cứu tê giác” và chia sẻ nó trên các mạng xã hội. Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ: “Tôi hiểu sừng tê giác có cấu tạo giống móng tay và không có tác dụng chữa bệnh. Tôi hiểu nhận thức không đúng của nhiều người Việt Nam về sừng tê giác đang là nguyên nhân chính làm cho loài tê giác có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 2020. Và tôi cam kết không sử dụng sừng tê giác và chia sẻ thông điệp của chương trình này tới mọi người”.

Chung tay cứu tê giác

Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam được coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê, chỉ trong 40 năm qua, số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25.000 cá thể tê giác trong tự nhiên. Nam Phi là quốc gia sở hữu tới hơn 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2014, có tới 1.215 cá thể tê giác bị giết hại, còn 3 tháng đầu năm 2015, 232 tê giác đã bị giết ở Nam Phi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam (tăng gần 100 lần so với năm 2007). Nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không có chiều hướng suy giảm mà thậm chí ngày càng khốc liệt hơn, cứ mỗi ngày Nam Phi lại mất đi hơn 3 cá thể tê giác. Cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng năm 2010.

Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời. Vì thế việc buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác phi pháp tại Việt Nam cần được chấm dứt vừa để góp phần bảo vệ các loài tê giác, vừa để cải thiện hình ảnh của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Trang Nguyễn, sinh viên Trường ĐH Cambridge, Anh - chuyên ngành bảo tồn động vật hoang dã; thạc sĩ, chuyên ngành bảo tồn linh trưởng học, người có nhiều hoạt động năng nổ để cứu các động vật hoang dã chia sẻ: “Mình đã từng được chạm vào tê giác, cảm nhận làn da thô ráp, cứng nhưng ấm áp. Mình cũng từng nghe thấy tiếng súng cướp đi sinh mạng của hai mẹ con tê giác, đã từng thấy sự xấu xí và độc ác của nạn săn trộm, đã từng thấy tê giác mẹ chết trong đau đớn. Cuộc chiến này, có thể chúng ta đang thua. Nhưng nếu chúng ta bỏ cuộc, thì chắc chắn chúng ta sẽ thua. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa, làm nhiều hơn nữa, và cũng rất cần có được sự giúp đỡ của mọi người - bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất. Dù bạn chỉ có thể thay đổi suy nghĩ và thái độ sử dụng sừng tê giác của một người, thì điều đó cũng có ý nghĩa rất lớn đối với loài tê giác. Chỉ cần một người từ bỏ ý định sử dụng sừng tê giác thì có nghĩa là loài tê giác được an toàn hơn một chút”.

Cũng theo Trang, tê giác trắng từng được cứu thoát khỏi nạn tuyệt chủng khoảng 60 năm về trước, bởi nhà bảo tồn - kiểm lâm nổi tiếng Dr. Ian Player. Sáu mươi năm sau đó, Ian Player chứng kiến loài động vật tuyệt vời mà ông yêu tha thiết và dành cả đời để gắn bó với chúng - một lần nữa bị đẩy vào vực tuyệt chủng chỉ vì lòng tham của con người. Hơn 1 tháng trước khi qua đời, ông đã cố gắng đến dự Hội nghị thượng đỉnh về tê giác dành cho thanh thiếu niên tại Kwa Zulu Natal với sự tham dự của học sinh từ hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông nói rằng thế hệ của ông, thế hệ đi trước, đã làm hết sức mình để bảo vệ loài tê giác. Và ông trao lại công việc này cho thế hệ trẻ ngày nay để đấu tranh cho loài động vật sinh sống trên Trái đất từ trước khi con người đặt chân đến nơi này. Tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt, với súng ống và đạn, tên chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến. Cách duy nhất có thể ngăn chặn hoàn toàn việc thảm sát tê giác chính là chấm dứt nạn buôn bán và sử dụng sừng tê giác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy chấm dứt sử dụng sừng tê giác!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO