Hàng ngàn du khách đến Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn

N.T (Bộ TNMT)| 10/02/2011 20:15

Ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong các ngày Tết Nguyên đán Tân Mão, đã có gần 4.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, với tổng doanh thu trên 3 tỷ đồng.   

Ngay từ ngày Mồng 1 Tết, Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã đón rất nhiều du khách đến tham quan, du lịch. Đây là một tín hiệu vui mừng đối với Hà Giang - tỉnh vùng cao địa đầu cực Bắc của Tổ quốc còn rất nhiều khó khăn.     

Không chỉ đến với những danh lam, thắng cảnh, du khách đến với Hà Giang trong dịp Tết Tân Mão còn được tận mắt "mục sở thị" các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh như: Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày, lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô, lễ hội chọi trâu, lễ hội chọi gà... Tham gia các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, đánh sảng, đánh yến, đi cà kheo, nhảy bao bố, tung còn... mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Để thu hút khách đông đảo du khách đến với Hà Giang trong dịp Tết Nguyên đán, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tổ chức tốt các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao; các lễ hội truyền thống được tổ chức rộng khắp, mang tính xã hội hoá cao. Công tác xúc tiến du lịch được triển khai tích cực, hình thành nhiều điểm, tua, tuyến du lịch. 

Sau gần 3 năm chuẩn bị tích cực, Cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh phát triển. Các làng văn hoá du lịch cộng đồng, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư phát triển. Hà Giang đã phát huy thế mạnh các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch khám phá mạo hiểm, du lịch văn hóa... Nhiều điểm du lịch của tỉnh thu hút đông đảo du khách đến trong dịp Tết Nguyên đán là Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, khu du lịch dinh nhà Vương (huyện Đồng Văn); núi Cô Tiên (huyện Quản Bạ); Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc). Với sự khởi động ấn tượng trong những ngày đầu năm 2011, du lịch Hà Giang được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển đầy hứa hẹn. Năm 2011 Hà Giang phấn đấu đón trên 350.000 lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt gần 300 tỷ đồng.             

Hội ngộ lý thú giữa khoa học và văn hóa bản địa

"Khi nghiên cứu về Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), chúng tôi đã phát hiện cuộc hội ngộ lý thú giữa khoa học và văn hóa bản địa của 17 dân tộc sống trên mảnh đất này", nhà khoa học Lương Thị Tuất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chia sẻ. Điều đó sẽ mở ra hướng khai thác công viên địa chất một cách bền vững.

Không hề có khái niệm về "di sản địa chất" song cư dân địa phương từ xưa đã cảm nhận được về sự độc đáo của những núi đá này. Sống cùng với đá, họ không hề xâm phạm đến tự nhiên mà lại tạo ra thêm một giá trị di sản nhân văn đáng quý khác bên cạnh di sản địa chất "trời cho".

Những truyền thuyết về đá

Nhóm các nhà khoa học Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, nhiều di sản địa chất nổi bật trong vùng được đồng bào dân tộc lý giải một cách rất riêng dưới dạng các truyền thuyết, sự tích…

"Nếu nói với du khách về việc kiến tạo núi Cô Tiên hình bát úp là do sự bào mòn đều đặn, thẳng hướng các thành tạo dăm kết vôi chứa dolomit ở thung lũng đứt gãy Quản Bạ chắc khó ai nhớ nổi. Nhưng với truyền thuyết về chuyện tình một nàng tiên trốn xuống trần kết hôn với một chàng trai người HMông thì ngọn núi thật nên thơ", bà Lương Thị Tuất nói. Truyền thuyết kể rằng, khi bị vua cha gọi về trời, nàng tiên đã để lại đôi nhũ hoa cho con thơ. Đó chính là ngọn núi Cô Tiên.

Hay giữa vùng núi đá ken kín đất đai lại xuất hiện hai hồ nước tưới tắm cho vùng đất dưới chân Cột Cờ Lũng Cú cũng được lý giải bằng truyền thuyết về đôi mắt rồng thiêng. Thực chất hai hồ nước là hai phễu karst cổ hiện đã ngừng hoạt động được bịt kín bởi sét - một sản phẩm phong hóa của đá vôi.

Các nhà khoa học ghi nhận ở đây hình thành một vùng "văn hóa đá", đời sống người dân gắn liền với đá. Câu chuyện về anh hùng người Hmông Sùng Mí Chảng đã dùng vũ khí đá, dựa vào thế núi đá để chống lại quân Pháp, giành được Đồng Văn những năm 1905-1906 là minh chứng sinh động cho việc sống cùng đá của người dân bản địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng ngàn du khách đến Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO