Góp ý dự thảo “Bộ tiêu chuẩn dành cho trẻ 5 tuổi” - Chỉ nên dùng chocác nhà chuyên môn

NHƯ QUỲNH| 20/02/2009 19:06

Đối với bản dự thảo bộ tiêu chuẩn dành cho trẻ 5 tuổi của Bộ giáo dục và đào tạo, với tư cách là một người nghiên cứu về đánh giá trong giáo dục, TS. Nguyễn Kim Dung của Trung tâm đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đã có một số ý kiến sau đây.

Triết lý giáo dục nào?

Cần làm rõ mục tiêu của bộ chuẩn này. Chỉ nên dành nó cho các giáo viên mẫu giáo tham khảo hoặc dùng cho nhà trường để có các thông tin hữu ích về trẻ nhằm có kế hoạch giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, chứ không nên dùng để đánh giá - có nghĩa là nên dùng bộ tiêu chuẩn này cho các nhà chuyên môn để xây dựng và đánh giá chương trình hơn là cho giáo viên hay phụ huynh.

Tuổi lên 5 là lứa tuổi chuẩn bị đi học, ở lứa tuổi này sự phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, thái độ, và kỹ năng của các em rất đa dạng. Trẻ nào vào mẫu giáo rồi thì sẽ có cơ hội “đạt chuẩn” dễ dàng hơn, trẻ chưa được chú ý luyện tập các kỹ năng này thường gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, do chúng ta không bắt buộc cũng chưa tạo điều kiện tối ưu cho mọi trẻ trước 5 tuổi đến trường mẫu giáo (do thiếu trường lớp), việc đưa ra chuẩn này sẽ đặt cho nhà trường và các cơ quan quản lý một vấn đề mà chúng ta phải trả lời trước dư luận xã hội: Sẽ “đối xử” với trẻ “đạt chuẩn” và trẻ “chưa đạt chuẩn” như thế nào? Có nhận trẻ “chưa đạt chuẩn” không? Nếu phân cho trường này nhận trẻ “đạt chuẩn” và trường khác nhận trẻ “chưa đạt chuẩn” thì mục tiêu của giáo dục tiểu học của chúng ta là gì? Chúng ta hướng đến triết lý giáo dục nào - giáo dục hòa đồng (dành cho tất cả trẻ các cơ hội học tập như nhau và tiếp xúc với các học sinh khác cùng lứa tuổi như nhau), hay giáo dục tinh hoa (phân biệt học sinh tài năng với học sinh bình thường...)? Đây là vấn đề nền tảng của bất cứ nền giáo dục nào.

Định lượng quá hóa cứng nhắc

Bộ tiêu chuẩn nêu trên có tính định lượng quá cụ thể, làm cho người ta nghĩ đến các con số cứng nhắc. Tất nhiên, sự cụ thể cũng có các mặt tốt của nó. Tuy nhiên, ở góc độ giáo dục, xã hội, việc đánh giá dựa vào các con số cụ thể sẽ làm cho quá trình giáo dục đôi lúc trở nên phản tác dụng. Chẳng hạn, chỉ số “chạy 18 m với thời gian nhiều nhất 5 giây” đối với trẻ em ở nông thôn hay thuộc các gia đình khuyến khích trẻ phát triển thể lực, là không khó, nhưng đối với các em ở các gia đình thành thị, nơi không gian thường chật hẹp (không có chỗ chơi huống gì có chỗ chạy) sẽ là khó khăn. Ngoài ra, nếu trẻ chỉ chạy được 17,5 m thôi trong 5 giây, thì cũng không thể nói là trẻ chậm phát triển thể lực. Nên chăng, chúng ta đưa ra các tiêu chí định tính nhiều hơn, và chỉ định lượng bằng thang “định khoảng” (ví dụ: từ 15 đến 18 m). Ở Học viện IQ của Viện nghiên cứu giáo dục, nơi có chức năng nghiên cứu và tư vấn giáo dục về sự phát triển của trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi, chúng tôi có các bài test đã được nghiên cứu cẩn thận về sự phát triển của trẻ, và các bài test đó cũng có những chỉ số có thang số rộng hơn khi đo đạc thể chất của trẻ để giúp cho phụ huynh cách thức giúp trẻ phát triển toàn diện.

Băn khoăn về mẫu khảo sát

Về mẫu khảo sát, theo các thông tin mà báo chí và các trang web cung cấp, bộ tiêu chuẩn này đã được thử nghiệm trên 700 trẻ. Chúng tôi rất quan tâm về mẫu của các trẻ này. Nếu mẫu trên là tiêu biểu cho các vùng miền (thành thị, nông thôn, vùng núi...) và dân số (dân tộc kinh, dân tộc ít người...) thì chúng ta có thể yên tâm về tính đại diện. Việc quan sát sự phát triển của trẻ trong từng giai đoạn phát triển cũng như lĩnh vực phát triển là rất quan trọng cho việc hình thành các chỉ số. Tôi chỉ băn khoăn về việc thực sự những người làm bộ chuẩn này có quan sát cả 700 trẻ của các vùng và dân tộc đại diện “chạy 18 m với thời gian nhiều nhất là 5 giây” hay không. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, với tư cách là nhà nghiên cứu và phụ huynh, trẻ em thực hiện động tác này không dễ dàng chút nào.

Ở các nước, muốn ra một chính sách, cần có các nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu để tư vấn hay phát triển chính sách là việc phải làm. Chúng tôi chưa nghe nói nhiều về các nghiên cứu để đưa ra bộ chuẩn này, do đó, chúng tôi thiết nghĩ, nếu như đã có các nghiên cứu, Bộ giáo dục và đào tạo nên công bố kết quả trước khi đưa ra các chính sách có liên quan đến giáo dục.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: giáo dục là một quá trình lâu dài. Việc đánh giá cũng vậy, nếu chỉ qua một bài test nhỏ trong một thời gian ngắn mà đưa ra các kết luận về “thành tích” của một cá nhân, dù là trẻ 5 tuổi, thì sẽ dễ dẫn đến các vấn đề tiêu cực như: gây áp lực tâm lý lên các đối tượng có liên quan, đặc biệt là lên phụ huynh và trẻ; gây khủng hoảng nếu trẻ không thực hiện được (đối với trẻ nhạy cảm hoặc đối với những gia đình mà phụ huynh chạy theo “tiêu chí thần đồng”); làm tăng thêm bệnh chạy theo thành tích của nhà trường; làm tăng sự bất an trong xã hội, đặc biệt trong hoàn cảnh giáo dục nước nhà đang trong giai đoạn định hướng như hiện nay. Vì vậy, tôi nghĩ bộ tiêu chuẩn này chỉ nên dùng cho các cơ quan nghề nghiệp, các nhà chuyên xây dựng chương trình hoặc các nhà nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp, các nhà quản lý (nhà trường), hơn là phổ biến rộng rãi mà chưa chuẩn bị tinh thần cho các bậc phụ huynh. Bộ tiêu chuẩn này cũng nên được sự góp ý của các nhà chuyên môn về trẻ em và đánh giá thêm để có tính khả thi hơn.

NHƯ QUỲNH ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý dự thảo “Bộ tiêu chuẩn dành cho trẻ 5 tuổi” - Chỉ nên dùng chocác nhà chuyên môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO