Gốm đất đỏ đang gặp khó!

: TUẤN ANH<_o3a_p>| 13/03/2009 09:32

Gốm đất đỏ Vĩnh Long là một sản phẩm đặc trưng nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long. Địa phương này có nguồn tài nguyên đất sét dồi dào, nằm dọc theo tuyến sông Cổ Chiên và sông Măng Thít. Đất sét vùng này mịn, không nhiễm mặn do dòng sông Cửu Long bồi đắp cách nay hàng mấy thế kỷ! Từ đó, địa phương bắt đầu có làng nghề sản xuất gạch ngói nung; làng nghề sản xuất gốm đất đỏ Vĩnh Long, phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh... Thế nhưng, từ giữa năm 2008 đến nay không ít cơ sở đã ngưng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng do khó tiêu thụ sản phẩm.

Với sự giúp đỡ của một số doanh nghiệp ở Đồng Nai và Bình Dương, vào đầu thập niên 1990, một số doanh nghiệp ở Vĩnh Long đã nghiên cứu sản xuất gốm đỏ được nung trong lò gạch truyền thống và đã cho ra lò những sản phẩm gốm nung mang tính đặc trưng. Ông Hồ Văn Vàng, chủ tịch Hội nghề gốm Vĩnh Long, cho biết: “Nghề sản xuất gốm ở Vĩnh Long chính thức hình thành từ năm 1993 nhưng chỉ “nổi đình nổi đám” từ 1997 đến nay! Thấy vậy, năm 2002, địa phương đã thành lập Hội nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Long để phát triển sản phẩm làng nghề”.

Làng nghề đã góp phần vào việc chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ ở hai huyện Măng Thít và Long Hồ từ thuần nông sang kinh tế công nghiệp. Sản phẩm gốm địa phương đã từng tham gia trưng bày tại Hội chợ triển lãm quốc tế tại Đức năm 2005, với các mẫu bình hoa in hình trống đồng Ngọc Lũ, Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận.

Ít nhất 20 doanh nghiệp gốm đã có trang web riêng và đang nhắm vào thị trường Mỹ, Pháp, Canada, Đài Loan, Hồng Kông... Năm 2005, làng gốm mỹ nghệ sản xuất trên 3 triệu sản phẩm, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2002. Năm 2006 - 2007, Vĩnh Long có trên 120 doanh nghiệp với gần 2.000 lò, mỗi năm đạt trên 4,5 triệu sản phẩm, trị giá trên 400 tỷ đồng, chiếm hơn 20% sản lượng công nghiệp toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động.

Nhưng tính đến đầu tháng 3/2009, Vĩnh Long có 3 doanh nghiệp sản xuất gốm tạm ngưng hoạt động, 1 doanh nghiệp giải thể và 5 doanh nghiệp chuyển qua sản xuất gạch. Làng nghề hiện còn khoảng 40 cơ sở hoạt động cầm chừng.

Năm 2009, dự đoán ngành gốm tiếp tục gặp khó khăn, sản lượng xuất khẩu giảm 20 - 30%. Ông Lê Văn Hiền, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Hiền (Măng Thít) cho biết năm 2008 cơ sở của ông chỉ sản xuất đạt giá trị khoảng 150 triệu đồng.

Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân cũng than gặp khó khăn do thiếu vốn, nợ chậm trả. Trong khi đó tiền chất đốt, nguyên liệu đất sét, nhân công... đều tăng. Thất vọng hơn nữa là sản phẩm làm ra chỉ bán lai rai, nhân công bỏ đi hết...

Để tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất đang tổ chức nhiều lớp dạy kỹ thuật cắt đất, in khuôn, vẽ hoa văn và tạo thế cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Bài, ảnh: TUẤN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gốm đất đỏ đang gặp khó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO