Gối gòn nhung nhớ!

Đạt Linh| 25/01/2017 00:53

KHPT - Nhà tôi ở quê hồi đó có hàng gòn sau hè. Không biết nó có tự bao giờ, lớn lên tôi đã thấy những thân cây ôm giáp cả một vòng tay đứng sừng sững rồi! Người lớn bảo là loại cây gỗ tạp, trồng chơi thôi... nhưng tôi thấy nó chẳng chơi chút nào!

Bà nội tôi hay sử dụng các thứ từ cây gòn, nhiều nhất là trái gòn, thứ trái dài, suôn đuột, có màu xanh lá, treo lơ lửng trên cành. Nghĩ cũng lạ, trái gòn tươi dài đến hơn gang tay, nặng trình trịch bám trên những chiếc cành khẳng khiu mà không rụng bất tử. Mùa gió bấc về, trái gòn khô dần lớp vỏ, chuyển sang màu xám, rồi bung ra. Bông gòn màu trắng ngà, nhẹ tênh xõa bay theo gió...

Bông gòn, dĩ nhiên là dùng để làm gối rồi! Hồi đó, anh em tôi giúp bà hái gòn cũng vui lắm, phần thì thích leo trèo, phần vì được quậy tung với bông gòn. Trái gòn tuy khô nhưng cuống còn chắc, phải trèo lên nhánh cây, dùng sào có gắn lưỡi hái để giật cả cuống. Có nhiều trái, vỏ đã bung, bông gòn bên trong xổ bay hết rồi mà vẫn còn dính trên cành... Bông gòn thường có lẫn hạt, nên bà tôi dạy lấy sàn tre (loại dùng để sàn đậu) để đãi cho hạt rớt ra. Hạt gòn màu đen, lớn hơn hạt tiêu một chút nhưng không phải là thứ đồ bỏ! Má tôi và các thím hàng xóm thường cà nhuyễn hạt gòn, ngâm chung với bột gạo để làm bánh lọt. Làm cách này, cọng bánh lọt trong và dai, ngon đáo để.

Mấy cái gối gòn hồi xưa làm đơn giản lắm. Nhà nào khá khá một chút thì mua vải miếng may thân gối, áo gối thì vải màu sặc sỡ. Còn nhà nghèo thì thân gối đúm bằng vải vụn... Bông gòn khô thì nhẹ nhưng mấy chiếc gối làm xong thường nặng và hơi cứng, vì dồn gòn chặt quá (gòn nhà dư dả mà) cộng với mấy miếng vải áo gối đắp vá chằng chịt... Hồi đó, anh em tôi chơi trò đánh gối, nhiều khi bị đứa em gái phang một gối... muốn ná thở! Chưa hết, đứa em lại hay đái dầm và mấy cái gối thường ướt nhẹp, khai ngấy! Mấy hôm trời nắng, má tôi cuốn cả mùng, chiếu, gối đi giặt rồi phơi. Ái chà, nước đái thấm vô gòn rồi, tháo giặt áo gối đâu có “xi nhê” gì, thế là trụng luôn cái gối gòn. Biết rồi, gòn mà gặp nước thì phơi 2 - 3 nắng mới khô. Sau đó thì nó nặng hơn trước. Bởi thế, mấy cái gối thấm nước đái, làm cách gì cũng nặng trình trịch và vẫn còn mùi khai. Hồi nhỏ, anh em tôi ghiền mấy cái gối đó, vậy mà học hành không bị ngu, kỳ lạ quá hén!

Gối gòn cũng sang lắm nhen! Lúc tôi còn nhỏ xíu, đã thấy bà nội tôi làm cặp gối gòn uyên ương cho chị họ tôi. Bà lựa loại bông trắng nhất, phơi thật kỹ rồi mới dồn gối. Cặp gối to, đồng đều, đặc biệt thân gối được làm bằng vải màu trắng tinh. Áo gối thì màu hồng có thêu hình hoa bốn góc và cặp phụng rất đẹp. Gối cưới dành cho cô dâu, chú rể là phải vậy. Cặp gối này được bọc giấy kiếng màu đỏ, để lên mâm bưng theo chị tôi bữa đưa dâu, cùng với một số của hồi môn như cái tủ áo hay dàn máy may. Hồi đó, tôi lí lắc nói: gối cưới đẹp thiệt nhưng nằm vài năm, có con thì nó cũng đái cho khai ngấy thôi mà!

Đứa con trai 3 tuổi của tôi chẳng biết cây gòn, trái gòn hình thù như thế nào. Nghe tôi kể chuyện đời xưa, cháu hỏi: Trái gòn có giống... Sài Gòn không ba? Tôi ậm ừ... Sài Gòn là chỗ nhà mình đang sống, còn trái gòn chỉ có ở dưới quê, mà bây giờ cũng hiếm lắm! Con tôi ôm chiếc gối thơm tho đang nằm đòi móc ruột coi có... bông gòn không. Tôi phải mất công lý giải bằng tư duy trẻ con: rằng là bông gòn này người ta làm nên bằng chế biến chất liệu này nọ, không phải thứ bông nhẹ tênh bay lửng lờ; rằng là không có mùi khai nước đái vì người Sài Gòn đã chế ra cái tã để chịu trận thay cho cái gối gòn; rằng là người nằm gối gòn như ba hồi nhỏ thì bây giờ đang ở Sài Gòn, còn người nằm gối như con bây giờ thì sẽ ngoan, sau này chắc ở nước ngoài...

Con trai chưa hiểu gì, nhưng ba nó thì tin cái thứ nhẹ tênh, bay bổng ấy luôn in dấu tâm hồn và nâng niu những giấc mơ đẹp!

goi_gon_4

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gối gòn nhung nhớ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO