Gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản

HOÀN TRẦN| 16/10/2019 08:03

KHPTO - Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 3,9 tỷ USD, giảm nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm, xuất khẩu tôm giảm 12%, cá tra giảm 4%, đây là thách thức lớn cho toàn ngành thủy sản Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP cho biết, năm 2018, xuất khẩu thủy sản đạt gần 9 tỷ USD, tăng trưởng 6% so với năm 2017, mặc dù chưa đạt được mức tăng trưởng 10% như kế hoạch đề ra, tuy nhiên đây cũng là tín hiệu tốt để toàn ngành thủy sản phấn đấu thực hiện mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2019.

Về nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu, mặc dù Việt Nam là đất nước có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản, tuy nhiên hàng năm vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu lên tới 1,7 tỷ USD.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội VASEP tổ chức tại TP.HCM, ngày 28/8, nguyên do phải nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản từ những biến động của thị trường và kết quả dự báo nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến thủy sản chưa chính xác, dẫn đến mất cân đối cung cầu. Đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Bên cạnh đó, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã làm ảnh hưởng đến giá thành nguyên liệu thủy sản nuôi, khiến thủy sản Việt Nam kém cạnh tranh và phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thức ăn. Hơn nữa, gần 45% nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất thủy sản xuất khẩu từ nguồn khai thác, dẫn đến nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, ngư trường đánh bắt bị thu hẹp.

Về thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn, mức thuế chống bán phá giá tôm và cá tra khá cao đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, những thông tin không chính xác về nguồn gốc tôm Việt Nam khiến xuất khẩu tôm giảm mạnh đầu năm 2019. Việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam trong việc đánh bắt bất hợp pháp khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Đó cũng là những yếu tố tạo sự cạnh tranh lớn cho xuất khẩu thủy sản nước ta, tại các nước phát triển như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ áp dụng những công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện đại, có năng suất cao, do đó Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng lẫn giá cả.

Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh, ngành thủy sản cần tăng cường đoàn kết hợp tác giữa các doanh nghiệp thủy sản, đẩy mạnh liên kết các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng và chế biến thủy sản, đặc biệt chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản.

Ông Ngô Văn Ích, chủ tịch VASEP cho biết, trước những thách thức lớn cho toàn ngành thủy sản Việt Nam, hiệp hội sẽ tăng cường những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn theo hướng chuyên nghiệp và chuyên sâu hơn. Cụ thể là những hoạt động vận động chính sách liên quan tới quản lý của Nhà nước, kiểm soát chất lượng, những hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh thủy sản Việt Nam, giúp các doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO