Gió mới miệt đồng!

Nguyễn Văn Mỹ| 23/01/2017 22:30

KHPT - Tôi gặp bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan lần đầu cách đây hơn 2 năm, nhân dịp tỉnh này giới thiệu dự án “Đưa sen lên phố” ở TP.HCM. Tôi ấn tượng anh từ đó, lớp cán bộ giản dị, dễ mến và thích đọc.

Khi lãnh đạo giản dị, chịu học hỏi và quyết tâm cao          

Trước tết Nguyên đán 2016, tôi điện thoại hẹn gặp, anh nói thư ký sắp xếp. Lu bu cuối năm nên đầu tháng 3/2016 mới gặp nhau ở văn phòng Tỉnh ủy. Tôi và anh Dương Minh Bình đi xe taxi đến, bảo vệ mở cửa bảo chạy thẳng vào trong. Anh tiếp chúng tôi ở phòng khách. Nghe chừng 15 phút, anh xin lỗi, điện thoại thêm một số cán bộ cùng dự. Rồi anh mời lên phòng họp vì có máy chiếu. Tôi hẹn gặp anh 15 phút nhưng câu chuyện kéo dài hơn 2 giờ 30 phút. Anh điện thoại ngay cho thành phố Sa Đéc: “Dừng triển khai dự án làng hoa, có nhiều cái mới phải điều chỉnh”. Kết thúc buổi gặp, anh bảo: “Sao chúng ta không gặp nhau sớm hơn?”.

Tôi thầm nghĩ: Gặp sớm hơn chưa chắc đã hay, vì anh đang rất hào hứng với dự án “Đưa sen lên phố”. Còn mô hình du lịch cộng đồng “Made in Việt Nam” của chúng tôi mới được triển khai, quá mới mẻ, khó mà thuyết phục...

Bây giờ thì hiệu quả mười mươi. Lên nhận phòng nghỉ, mở máy đã thấy mail. Không ngờ, bí thư Tỉnh ủy lại cập nhật mạng từng giờ như vậy. Bữa tối hôm đó, anh chạy xe gắn máy cùng mấy anh em khác chở chúng tôi đi ăn hủ tiếu xào Sa Đéc. Hôm sau, chúng tôi xuống khảo sát làng hoa, đi bằng xe gắn máy cho dễ tác chiến và gần gũi, có cả phó chủ tịch thành phố Sa Đéc, giám đốc Trung tâm phát triển du lịch tỉnh, phó giám đốc Sở văn hóa thông tin và du lịch và mấy nông dân. Xuống làng hoa Tân Quy Đông (vào một số nhà), qua làng làm bột, đến các nhà cổ... Tối về ăn hủ tiếu Bà Sẩm, tô đặc biệt 10.000 đồng, ngon cực! Sáng hôm sau tiếp tục khảo sát để chiều có ý kiến sơ bộ. Đầu giờ chiều, làm việc ở văn phòng Thành ủy Sa Đéc, cứ tưởng chỉ năm bảy cán bộ, ai dè, Thành ủy triệu tập toàn thể cán bộ chủ chốt và Hội đồng nhân dân nghe các “chuyên gia thực tiễn” góp ý. Tôi hơi khớp và xúc động, không nghĩ là anh em lại... “máu me” với du lịch như vậy.

Vừa kết thúc họp Quốc hội, bí thư Lê Minh Hoan mời thêm bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND và một số cán bộ chủ chốt thành phố Sa Đéc, cùng Đài phát thanh truyền hình tỉnh ra Hà Nội đi khảo sát các mô hình du lịch cộng đồng (Community Based Tourism - CBT) ở Hòa Bình, Sơn La ngay trong đêm. Tôi biết anh bị chúng tôi thuyết phục nhưng không dễ tin, phải được “mục sở thị”, mắt thấy, tai nghe, trải nghiệm ăn, ngủ, vui chơi, tham quan thực tế... Anh và đoàn ngủ trong nhà cộng đồng, đạp xe thăm bản, đi bè trên sông, xem văn nghệ của “các bà ngoại, bà nội”, hỏi han cách làm và những khó khăn của những hộ gia đình làm du lịch do CBT tư vấn...

Sau chuyến đó, các đoàn do chủ tịch UBND, trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch; rồi chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục đi khảo sát. Lần này, ngoài các hộ dân, đoàn còn khảo sát thêm mô hình doanh nghiệp làm du lịch kiểu CBT ở Thanh Hóa...

Tỉnh Đồng Tháp mở hàng loạt lớp “Chia sẻ kiến thức thực tiễn” nhằm “thay đổi nhận thức về du lịch” cho ban chấp hành Đảng bộ, cán bộ chủ chốt các ban ngành đoàn thể; cán bộ lãnh đạo các huyện, thị, thành phố trực thuộc; cán bộ Sở văn hóa - thể thao và du lịch và các phòng văn hóa; các đơn vị dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp và hộ dân; trường đại học Đồng Tháp... Mỗi lớp một ngày, từ 7 giờ 30 - 17 giờ, rất nghiêm túc. Lớp nào cũng có lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cùng dự. Các lớp tương tự được tổ chức lần lượt tại các huyện, thị, thành phố và các đơn vị dịch vụ trọng điểm. Trước lớp vài ngày, chúng tôi xuống từng nơi khảo sát cụ thể, cùng người dân tìm cho ra những mặt mạnh - yếu của du lịch tại chỗ. Tỉnh vừa ban hành quy chế hỗ trợ cụ thể các hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch tỉnh nhà. Các nhà đầu tư về Đồng Tháp đều được ưu đãi, từ chính sách đến thủ tục, từ nhân lực đến giao thông...

Tôi chưa thấy nơi nào mà lãnh đạo gần gũi dân như vậy. Các anh đi xe gắn máy, xuống từng nhà để trao đổi bàn bạc cụ thể với nông dân, với các hộ làm du lịch. Từ một tỉnh nghèo, sau 4 năm nỗ lực (2010 - 2014), Đồng Tháp vươn lên vị trí số 1 cả nước về “năng lực cạnh tranh”.

Đi nhiều nơi, tôi cũng chưa thấy ở đâu lãnh đạo lại nhiệt thành, giản dị và cầu tiến như vậy. Cặp bài trùng bí thư và chủ tịch tỉnh như “song kiếm hợp bích”. Số cán bộ chủ chốt các huyện, thị, thành phố trực thuộc cũng rất bình dị và dễ mến. Anh em chúng tôi cũng làm việc hết mình, có khi đi xe đêm để sáng là bắt tay vào việc. Được làm việc với tất cả đam mê cùng những người đồng điệu là hạnh phúc khó gặp.

ca-phe-chu-tich-1470206988

Cà phê doanh nhân - nơi gặp gỡ giữa doanh nhân và lãnh đạo tỉnh

Nhiều “lối” về đồng tháp

Chúng tôi phát hiện ra tiềm năng du lịch Đồng Tháp quá độc đáo, cả tự nhiên lẫn nhân văn. Đặc biệt là yếu tố con người và tài nguyên nhân văn đáng kinh ngạc.

Đó là làng hoa Sa Đéc độc nhất vô nhị. Là Nam Phương Linh Từ hoành tráng ở Lấp Vò, thờ tất cả anh linh những người đã có công mở cõi phương Nam.

Đó là Xẻo Quýt - “thủy đạo thép kiên cường” và Gáo Giồng - “mỏ vàng du lịch sinh thái” ở huyện Cao Lãnh. Là Tam Nông - “Vương quốc tràm và chim”. Là Gò Tháp - di tích quốc gia đặc biệt, dấu ấn hoàng kim của văn hóa Óc Eo và những đồng sen bạt ngàn ở Tháp Mười. Là Làng chiếu Định Yên với chợ âm phủ và làng đóng xuồng ghe Bà Đài lớn nhất Đông Dương ở Lấp Vò. Là làng Quýt, làng Nem ở Lai Vung. Làng Dệt khăn choàng ở Hồng Ngự. Làng du lịch Hòa An với những nhà sàn gỗ đặc trưng Nam bộ trong khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc và làng trái cây Tân Thuận Đông ở TP. Cao Lãnh. Làng “Kim tự tháp” và súng nia ở Châu Thành...

_thay_lang_hoa_Sa_Dec

Làng hoa Sa Đéc

Ẩm thực Đồng Tháp cũng lạ lùng với hủ tiếu Bà Sẩm “ngon và rẻ nhất thế giới”, 6.000 đồng/tô. Là cà phê đá ở quán Cây Còng (Thanh Bình) chỉ 4.000 đồng, đá chanh 3.000 đồng, “rẻ nhất châu Á” và nhiều món ngon “không đụng hàng”.

Đồng Tháp có đền thờ ông bà Câu Đương Đỗ Công Tường (tục gọi là Lãnh), người lập chợ Vườn Quýt (chợ Cao Lãnh ngày nay) và cứu giúp dân lúc bệnh tả hoành hành đầu thế kỷ 19. Ban đầu, chợ có tên là Câu Lãnh, sau đọc trệch thành Cao Lãnh. Đền thờ uy nghi, là di tích văn hóa của tỉnh. Tượng đồng ông bà to như người thật. Cách đó không xa là đền và công viên cùng tên thờ ông bà Tiền hiền Nguyễn Tú (cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19), người có công khai khẩn làng Mỹ Trà, vùng đất đầu tiên của Đồng Tháp xưa. Ở cồn Phú Mỹ, huyện Thanh Bình, nơi có đường hoa tự nhiên dài gần 2 km, còn có miếu thờ Ông Cồn Bà Cồn khang trang, chỉ thờ bài vị.

Dân Đồng Tháp cũng có nhiều người “lạ”. Ông Nguyễn Cẩm Lũy (1948 - 2011), “Thần đèn” đầu tiên của Việt Nam, chỉ học hết lớp 4. Ông Nguyễn Văn Cường (1953), cải tiến máy Honda cup thành máy xới đất đa năng ở Thanh Bình, chỉ học tới lớp 6. Ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh, 1934), ở thành phố Sa Đéc, chỉ mới học tới lớp 7 nhưng là cha đẻ của bột gạo lứt Bích Chi, từ 1966 là cứu cánh của trẻ em miền Nam, khắc tinh của nạn suy dinh dưỡng...

Ở Đồng Tháp, từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ cơ sở đều đi làm bằng xe gắn máy, kể cả những người ở cách xa 40 - 50 km. Trụ sở Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh cũng rất khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác, luôn mở cửa đón doanh nhân và cả người dân đến gặp lãnh đạo. Nếu nơi nào cán bộ cũng như Đồng Tháp thì dân đỡ khổ biết mấy!

Mô hình “Cà phê doanh nhân doanh nghiệp” - nơi gặp gỡ giao lưu giữa các doanh nhân, doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh ngay trụ sở UBND và Tỉnh ủy hiện được nhân rộng đến một số huyện, thị, thành phố trực thuộc. Cứ mỗi sáng trước giờ làm việc, khoảng 6 giờ, bí thư và chủ tịch lại thân tình cùng các doanh nhân trao đổi công việc, nhâm nhi cà phê, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Các doanh nhân và cả người dân đều có thể đăng ký trước qua phòng đối ngoại, điện thoại thẳng cho lãnh đạo hoặc đến gặp trực tiếp. Trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp có lẽ thân thiện nhất. Cả xe taxi và gắn máy không phải “xuống xe, trình giấy, dẫn bộ” mà chỉ cần nói lý do với chốt bảo vệ là chạy thẳng vào trong...

Tất cả làm nên tính cách người Đồng Tháp, như loài sen bình dị mà cao quý, biết chắt lọc tinh túy từ bùn hôi để tỏa hương thơm ngát cho đời. Sen Đồng Tháp không chê bùn hôi kiểu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mà còn biết ơn và trân trọng, bởi “Nhờ bùn nuôi dưỡng, ngát thơm hương đời”. Cán bộ Đồng Tháp chưa hẳn là “đầy tớ”, càng không phải là thần thánh nhưng có thể nói “là những người bạn chân tình của doanh nghiệp và người dân”.

Tôi yêu Đồng Tháp và thích được làm việc với những người bạn như vậy.

_thay_xeo_quyt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gió mới miệt đồng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO