Giày múa

NGỌC ÁI<_o3a_p>| 13/11/2009 18:04

Múa là một loại hình nghệ thuật linh hoạt, kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động... Khán giả thưởng thức múa thông qua ngôn ngữ hình thể, nhưng có thể ít người biết rằng giày múa là một công cụ đắc lực để giúp diễn viên thực hiện các động tác một cách chính xác, tinh tế hơn.

Nhảy múa luôn là một hoạt động xã hội phổ biến, và cũng là một loại hình nghệ thuật linh hoạt, biến chuyển không ngừng. Mọi người có thể thưởng thức, học hỏi hay khám phá theo cách của riêng mình, bởi múa là sự kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Sức mạnh của múa tiềm ẩn trong từng động tác uyển chuyển và trong việc sử dụng ngôn ngữ hình thể để biểu cảm những cảm xúc sâu thẳm trong tâm hồn mà ngôn từ không thể diễn tả hết được. Trong từng thể loại, giày múa chuyên dụng giúp diễn viên có thể thực hiện các động tác một cách chính xác và tinh tế hơn. Có nhiều loại giày múa.

Giày mũi cứng được thiết kế riêng cho múa ballet để diễn viên có thể đứng múa trên các đầu ngón chân. Mũi giày cứng đổ bằng keo thấm vào nhiều lớp vải bố có ưu điểm là nhẹ và có thể đàn hồi theo kích cỡ bàn chân, tuy nhiên độ bền của nó không cao, do đó ngày nay người ta thường làm giày mũi cứng bằng nhựa. Giày được cố định vào chân diễn viên bằng dây thun trên giày và dây ruy băng cột vào cổ chân. Giày mũi cứng giúp diễn viên thực hiện được các động tác bật cao một cách nhẹ nhàng, bay bổng, vì thế từ thế kỷ thứ 18, sự ra đời của giày mũi cứng kéo theo các động tác kỹ thuật như đứng trên mũi giày, đứng một chân, quay...

Giày mũi mềm được làm bằng vải bố hoặc da, có thể liền nhau hoặc chia ra hai nửa phía mũi chân và gót chân. Phần mũi chân và gót chân thường được làm bằng da và lót dày hơn ở phần gan bàn chân. Phần gót chân và phần giữa bàn chân có chất liệu mềm hơn nhằm đảm bảo cho bàn chân di chuyển linh hoạt. Phần trên giày có dây thun đàn hồi. Giày mũi mềm thường có màu hồng, trắng, đen hoặc nâu nhạt, được diễn viên múa luyện tập thường xuyên để luyện cơ chân, cổ chân, tăng cảm nhận của chân với sàn. Giày mũi mềm giúp cho chân diễn viên không bị trầy xước khi thực hiện các động tác miết chân, trượt chân, xoay...

Jazz là thể loại múa mang phong cách tự nhiên, vì thế giày jazz được thiết kế gần giống với giày Tây bình thường nhưng thường có hai phần làm bằng cao su nhằm đảm bảo tính linh hoạt, độ co giãn và một gót giày thấp.

Giày khiêu vũ gồm hai loại: giày khiêu vũ cổ điển và giày khiêu vũ Mỹ Latin. Giày khiêu vũ cổ điển của nam thường là giày cột dây và làm bằng da, có gót cao khoảng 2,5 - 3 cm; giày khiêu vũ cổ điển của nữ thường cao 5 cm, làm bằng vải sợi có nhiều màu phù hợp với trang phục. Giày khiêu vũ Latin thường có gót cao hơn, linh động và đa dạng hơn giày khiêu vũ cổ điển; giày của nam cao 4 - 5 cm, giày của nữ 7 - 10 cm và thường là giày hở mũi. Với cấu tạo như trên và đặc biệt với phần bàn chân được thiết kế sao cho thật mềm mại, diễn viên dễ dàng thực hiện các động tác nhón và di chuyển mà không lo bị trượt, bị gãy gót.

Giày sneaker, dùng để thể hiện các thể loại múa break dance và hip hop, là sự kết hợp giữa giày thể thao và giày nhảy, có mũi cao su được thiết kế mềm mại và nhẹ, đặc biệt lòng bàn chân phải mềm để diễn viên nhón và duỗi chân dễ dàng.

Giày tính cách có gót cao 5 - 7 cm, thường làm bằng da, và thường có dây bắc ngang qua mu bàn chân để cố định. Giày tính cách giúp diễn viên thể hiện các điệu múa đặc trưng của từng dân tộc. Trong một số trường hợp, như ở Nga và Tây Ban Nha, gót giày được dùng để gõ nhịp và có thể được gắn các miếng kim loại.

Thiết giày có các miếng đế kim loại bên dưới phần ngón chân và gót chân nhằm tạo âm thanh lớn khi múa trên sàn múa làm bằng vật liệu cứng. Thiết giày có thể được làm từ bất kỳ kiểu giày nào có thể gắn các miếng đế kim loại.

Với nhiều tên gọi khác nhau, giày đương đại chỉ được mang ở phần đầu bàn chân để tránh trầy xước khi thực hiện các động tác quay. Giày đương đại có màu da nên khi nhìn từ xa sẽ thấy như diễn viên đi chân trần.

NGỌC ÁI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giày múa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO