Giàu lên nhờ nuôi cá trê lai

THỤY MINH| 24/10/2008 08:54

Ông bà xưa có câu: “Giàu nuôi cá - khá nuôi heo - nghèo nuôi vịt”. Thật không sai với trường hợp của anh Nguyễn Thanh Xuân ở ấp An Thới B, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Khởi nghiệp, anh nuôi cá trê lai từ tháng 6/2001 trong ao chỉ rộng có 400 m2 với 150 ký cá bột, sau 93 ngày thì xuất ao, lời được 24 triệu đồng. Hiện nay (2008) anh đã có 8 ao, ao lớn nhất 2.000 m2, nhỏ nhất cũng 600 m2, tổng cộng trên 11.000 m2; mỗi năm trung bình thu vào trên dưới 1 tỷ đồng.

Để có đủ thức ăn cho cá và thu lợi từ thức ăn bán cho các hộ nuôi khác, anh Nguyễn Thanh Xuân còn mở ra nhà máy chế biến thức ăn cho cá - mua thức ăn chế biến của nhà thầu Tân Phú Thạnh ở Hậu Giang và nhà máy An Khang thuộc khu công nghiệp Trà Nóc đem về gia công (thêm phụ phẩm và nấu lại).

Năm 2007 anh Xuân được cử đi dự Đại hội nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi và nhận được bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Ngoài ra, anh còn nhận nhiều bằng khen và giấy khen của địa phương. Hiện nay anh là ủy viên ban chấp hành Hội nông dân huyện Phong Điền.

Trong tương lai, để tạo điều kiện khép kín mô hình cá trê, anh sẽ xây dựng nhà máy sản xuất bột gòn làm chất dính cho thức ăn và bã bột mì làm chất độn. Ngoài ra, anh dự tính sẽ mua máy ép củi trấu.

Anh Xuân thổ lộ: “Với đất nhà trên 1 ha, trước đây chúng tôi trồng cam, bưởi, ngày ngày quần quật ngoài vườn nhưng vẫn thất thu vì cây bị bệnh vàng lá, thối rễ…, chuyển qua trồng nhãn, nhưng được mùa lại mất giá. Khi thấy phong trào nuôi cá trê lai nở rộ, tôi bàn cùng vợ nuôi thử 400 m2. Lúc đầu, vợ chồng chúng tôi không biết nên cho cá ăn thức ăn sống (đầu cá tra) gây nhiễm đường ruột cho cá... Ngày đêm mất ăn, mất ngủ lo lắng cho đàn cá dưới ao, từ đó kiên trì tìm hiểu, học hỏi để cá không nhiễm khuẩn, ghẻ lở”… Cá trê lai thích hợp với ao tù, mương rãnh, có thể nuôi ở những nơi có hàm lượng oxy thấp, cho ăn đầu cá, bã bắp, khoai mì, phân gia súc, gia cầm… Khi nước quá bẩn, có mùi thối thì phải thay nước, ngoài ra phải biết cách phòng trị bệnh cho cá - bệnh nhầy da, bệnh trắng da khoang thân, bệnh sán lá...

Hiện nay, có trên 30 công nhân làm việc cho hầm cá của anh, gồm 3 tài xế, 7 người nuôi cá và 20 người nấu bột chế biến thức ăn.

Anh Xuân cũng là người đi đầu trong các phong trào làm nhà tình thương, khuyến học, giúp đỡ người già, tàn tật, cứu trợ bão lụt…

THỤY MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giàu lên nhờ nuôi cá trê lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO