Giáo dục STEM giúp học sinh hình thành nhiều kỹ năng

Như Hoa| 03/01/2018 10:56

Tại hội thảo khoa học “Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do Trường đại học sư phạm TP.HCM tổ chức, nhiều nhà giáo đã thảo luận về mục đích của chương trình giáo dục STEM, cũng như giới thiệu các mô hình hay về STEM.

STEM truyền cảm hứng trong học tập
Theo TS. Nguyễn Văn Ninh, Trường đại học sư phạm Hà Nội, mục đích chính của các chương trình giáo dục STEM không phải để đào tạo ra các nhà khoa học, nhà toán học, kỹ sư mà chính là nằm ở việc truyền cảm hứng trong học tập, thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức (nhất là kiến thức khoa học và toán), nhận thức được tầm quan trọng của các kiến thức STEM ảnh hưởng đến thế giới và sự phát triển của xã hội trong tương lai. Ngoài ra, các kỹ năng thực hành khoa học và kỹ thuật cũng góp phần quan trọng trong việc vận dụng các kiến thức được học trong việc giải quyết vấn đề và tạo thành sản phẩm.
ThS. Lê Duy Hùng, Trường đại học sư phạm TP.HCM cho biết, ở Mỹ, giáo dục tích hợp STEM không phải để đào tạo học sinh theo chuyên ngành hẹp, mà chính là hướng đến chất lượng của sự nhận thức và hiểu biết trong lĩnh vực STEM, gọi là STEM literacy (tạm dịch là năng lực STEM). Lý do giáo dục tích hợp STEM hướng đến STEM literacy vì xu hướng phát triển của xã hội trong tương lai bắt buộc mọi người dân phải có hiểu biết liên ngành, nhận thấy được tầm quan trọng của kiến thức khoa học và công nghệ ngày càng ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống của con người, đồng thời ý thức được sự cạnh tranh trong nền kinh tế mới dựa vào sức mạnh của các lĩnh vực STEM.
Mô hình giáo dục STEM là cụm từ viết tắt của các từ science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và math (toán học). 
Khi nói về mô hình giáo dục STEM, nên thận trọng trong cách dùng từ: nếu áp dụng một chương trình dạy học, trong đó học sinh được vận dụng các kiến thức đa dạng khác nhau trong bốn lĩnh vực của STEM, nên dùng thuật ngữ “Giáo dục tích hợp STEM” hoặc “Giáo dục liên môn STEM” thay vì chỉ nói chung là “Giáo dục STEM” để thấy được đặc điểm và các giá trị cốt lõi của chương trình STEM, đó là sự kết nối giữa các kiến thức và môn học. Còn nếu chương trình học chỉ là ghép bốn bộ môn trên lại với nhau, không kết nối và hỗ trợ nhau, thì nên dùng là “Chương trình học các môn STEM”.

Hình thành ở học sinh nhiều kỹ năng tốt
Nhóm nghiên cứu Hoàng Phước Muội, Trường THPT Hoa Sen; Nguyễn Thanh Nga, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã nghiên cứu tổ chức dạy học một số kiến thức chương động lực học chất điểm vật lý 10 theo định hướng giáo dục STEM. Qua đó, học sinh đã hình thành được một số kỹ năng cơ bản: sử dụng dao rọc giấy cắt, rọc giấy foam; lắp ráp bánh xe, chế tạo bánh mài từ bánh xe nhựa và giấy nhám...; kỹ năng tính toán cơ bản: tính diện tích vật liệu và xác định chi phí của vật liệu đã sử dụng; kỹ năng đọc tài liệu: đọc và lấy các thông tin cơ bản về nguyên lý hoạt động, nguyên lý cấu tạo, các bước gia công chế tạo... từ tài liệu hướng dẫn STEM. 
Về kỹ năng thuyết trình, các em tự tin trình bày về sản phẩm, biết phối hợp giữa các thành viên để vừa thuyết trình vừa vận hành sản phẩm; kỹ năng phản biện: lắng nghe và hiểu rõ câu hỏi và góp ý của nhóm khác, của giáo viên, phát hiện ra sự bất hợp lý trong câu hỏi của các nhóm khác và tìm ra lý lẽ để bảo vệ được chính kiến của nhóm... Bên cạnh đó, tư duy kỹ thuật được hình thành và phát triển, học sinh đọc được bản vẽ kỹ thuật, lắp ráp được sản phẩm theo các bước như tài liệu hướng dẫn; trình bày được kết cấu các chi tiết tinh vi do giáo viên gia công...

Vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực
PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Trường đại học sư phạm TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, mà đang hiện hữu là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc khuyến khích, thúc đẩy giáo dục STEM tại Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành nghề liên quan đến khoa học, công nghệ kỹ thuật và toán học. Tuy nhiên, để áp dụng các tiếp cận mới này một cách đồng bộ và hiệu quả đòi hỏi phải có chính sách giáo dục STEM của quốc gia. Chính sách này cần bao gồm chiến lược, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện chi tiết, trách nhiệm của các bên liên quan... Vì vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, việc học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến là cần thiết, nhằm đưa ra giải pháp tích hợp STEM phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, bối cảnh giáo dục nước nhà thay đổi căn bản giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Kết quả xem xét các nghiên cứu về giáo dục tích hợp STEM hiện có ở Mỹ của Ủy ban giáo dục tích hợp STEM đã cho thấy tiềm năng tạo ra sự khác biệt về tính tích cực, sự hứng thú và kết quả học tập của học sinh qua một số cách thức tích hợp STEM vào chương trình giáo dục. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục về: phương pháp nghiên cứu, nội dung tích hợp cụ thể, vai trò của giáo viên. Đây cũng là những điều cần lưu ý khi tiếp cận nghiên cứu về STEM để định hướng ứng dụng ở Việt Nam.
Bên cạnh kinh nghiệm nghiên cứu của Mỹ, các nhà giáo dục có thể tìm hiểu thêm kinh nghiệm tích hợp STEM của các quốc gia khác như: Úc, Canada, Hàn Quốc... để nâng cao hiệu quả của việc tích hợp STEM vào chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam. Việc đặt mô hình STEM vào khung tổng thể của chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành ở Việt Nam ngày 27/7/2017 là một việc làm khoa học, chiến lược. Quan trọng nhất cần xem xét trên tinh thần tích hợp nội dung, phương pháp theo định hướng mục tiêu phát triển là cách thức hiệu quả nhất bằng cái nhìn khoa học và ứng dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục STEM giúp học sinh hình thành nhiều kỹ năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO