Giáo dục nghề nghiệp tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4

NHƯ HOA| 06/10/2019 18:17

KHPTO - Theo ThS. Lê Minh Tấn, giám đốc Sở lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung hay đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói riêng, là những việc làm cấp thiết, mà trước tiên cần phải xác định những cơ hội và thách thức do cuộc cách mạng này mang lại.

Thứ nhất, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới phải đào tạo đủ chuyên gia công nghệ thông tin; tích cực trang bị cho người học các kiến thức kỹ thuật số và các kỹ năng có liên quan để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thứ hai, vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến trong quá trình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là thời kỳ đầu, khi lực lượng lao động chưa thích ứng với điều kiện mới của công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực. Người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người, việc làm ở những lĩnh vực như tư vấn pháp luật, kế toán, tư vấn thuế có thể bị thay thế hoàn toàn bởi các robot thông minh.

Do vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chú ý bổ sung và chương trình đào tạo các kiến thức liên quan đến kỹ năng làm việc (làm việc nhóm, làm việc độc lập, làm việc liên ngành) để có thể thích ứng các môi trường làm việc khác nhau.

Thứ ba, thách thức từ những nhu cầu đào tạo (bao gồm nhu cầu đào tạo cho đối tượng người học mới, đối tượng chuyển đổi nghề nghiệp, đối tượng học bổ sung, nâng cấp trình độ) đáp ứng cả về số lượng, chất lượng và tính hiệu quả của lực lượng lao động phù hợp với điều kiện mới, thời kỳ mới.

Thứ tư, thách thức trước sự đòi hỏi tính linh hoạt, cấp bách đáp ứng kịp thời đồng thời 2 nhiệm vụ hết sức lớn lao do đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra, đó là phải đào tạo được những nghề mà việc làm chưa từng tồn tại trước đó và nghề mà việc làm sử dụng công nghệ chưa từng được phát minh. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động rất mạnh và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo và chương trình đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mong manh. Chương trình đào tạo vừa phải đáp ứng tính chuyên môn, vừa phải đáp ứng tính liên ngành, đồng thời lồng ghép các nội dung về kỹ năng làm việc trong chương trình.

Thứ năm, phương thức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp sẽ có nhiều thay đổi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ phát triển các hình thức đào tạo như: đào tạo trực tuyến, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa tài liệu,… Điều này sẽ tạo áp lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo trực tiếp tham gia quá trình đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục nghề nghiệp tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO