Giáo dục kỹ năng ứng phó với hành vi xâm hại thân thể cho học sinh tiểu học

Như Quỳnh| 03/04/2019 15:17

KHPTO - Thế giới bên ngoài có thể ẩn chứa những cạm bẫy, nguy hiểm với các em lứa tuổi học sinh tiểu học (HSTH) và mỗi khi các em rời xa tầm tay của cha mẹ, của những người thân yêu, họ lại thường lo lắng và tìm cách ngăn cấm con trước những nguy cơ rủi ro, nhưng lại không giải thích cho trẻ vì sao và hậu quả có thể xảy ra như thế nào?

Kỹ năng ứng phó với hành vi xâm hại thân thể ở HSTH là khả năng các em vận dụng tri thức, vốn kinh nghiệm đã có để ứng phó những nguy hiểm từ hành động của người khác nhằm tránh gây tổn thương về cơ sở giải phẫu và hoạt động sinh lý, đảm bảo cho thân thể được an toàn, khỏe mạnh và phát triển đầy đủ. Biểu hiện của kỹ năng ứng phó với hành vi xâm hại thân thể ở HSTH:

• Ứng phó với hành vi xâm hại tình dục hoặc hành vi bạo lực từ người khác: Khi bị người khác đánh hoặc trấn lột, bị đe dọa, bỏ đói, bắt lao động quá sức hoặc bị người khác cố tình sờ mó vào cơ quan sinh dục, bị người khác bắt khỏa thân để họ thỏa mãn mục đích của mình như chụp hình, nhìn, sờ…

• Biết ứng phó với những tình huống như: Người lạ rủ đi chơi, cho quà bánh, người lạ yêu cầu mở cửa khi ở nhà một mình, người lạ yêu cầu cung cấp thông tin của gia đình qua điện thoại lúc ở nhà một mình.

• Ứng phó với những nguy hiểm xảy ra từ hành động của bản thân: Leo trèo, chơi, với tay ở ban công, chơi ở những nơi vắng vẻ như ao hồ, sông suối…

• Ứng phó với các nguy hiểm từ môi trường xung quanh: Nước, lửa, dao kéo, các vật dụng dễ vỡ, hóa chất, vật nuôi…

Nghiên cứu của tác giả Bùi Thị Loan, Trường đại học Hùng Vương được thực hiện trên 120 học sinh (HS), 18 giáo viên (GV), 25 phụ huynh học sinh (PHHS).

Những kết quả đạt được của nghiên cứu thực trạng cho thấy: kỹ năng ứng phó với hành vi xâm hại thân thể của HSTH nhìn chung là còn thấp, chưa thể hiện được sự thành thục và linh hoạt. Cụ thể: khả năng ứng phó với những tình huống có thể khiến bản thân gặp nguy hiểm trong mối tương tác với người khác đạt mức độ thấp. Khả năng ứng phó với những nguy hiểm từ môi trường và các vật dụng xung quanh cũng đạt mức độ thấp. Lý do là việc nhận diện những nguy hiểm với bản thân đã khó, việc ứng phó trong những tình huống nhất định gây xâm hại thân thể lại càng khó hơn. Điều này đòi hỏi trẻ không chỉ có kiến thức về việc ứng phó mà còn cần phải có những trải nghiệm trong cuộc sống thì kỹ năng mới thành thục và linh hoạt. Khả năng ứng phó với hành vi xâm hại tình dục hoặc hành vi bạo lực từ người khác đạt mức độ thấp nhất.

Những bài tập để khảo sát kỹ năng này ở học sinh tiểu học, đa phần được lấy từ các câu chuyện thực tế, qua các ví dụ điển hình cho nên tính thực tiễn rất cao. Chẳng hạn: Chiều ngày 30/6/2012, Phú rủ cháu D 6 tuổi là hàng xóm, qua phòng trọ của mình chơi. Tại đây, Phú thực hiện hành vi xâm hại với cháu như sờ mó vào ngực, mông và bộ phận sinh dục của cháu... Xong việc, Phú cho cháu 5.000 đồng tiền mua kẹo và dặn cháu D: Không được nói với ai, nếu không chú sẽ đánh chết.

Câu hỏi: Nhận xét về hành động của bạn nhỏ trong câu chuyện. Nếu là bạn nhỏ trong câu chuyện em sẽ làm gì, em có dám kể lại chuyện với người khác: Bố mẹ, bạn bè, anh em không? Kết quả thật đáng lo ngại: nhiều học sinh tiểu học đã trả lời: “Em sẽ không dám nói với cha mẹ vì sợ bị chú đánh”.

Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần nhưng do sợ không dám nói với người lớn. Chính vì hiện tượng tâm lý này, khi cha mẹ phát hiện tình trạng của con thì đã bị xâm hại nhiều lần rồi. Khi trao đổi phỏng vấn với đa số các phụ huynh về tình huống này và hỏi họ đã bao giờ hướng dẫn con cách xử lý tình huống tương tự như trên chưa, đa số phụ huynh thừa nhận, chưa bao giờ trò chuyện và hướng dẫn con.

HSTH cần phải được giáo dục rằng: cho dù người khác dụ dỗ, cho mình những món quà, đồ ăn, thức uống mà mình yêu thích, thậm chí cho mình tiền thì cũng không được đồng ý cho người ta thực hiện những hành vi xâm hại như bạn nhỏ trong câu chuyện. Nếu người khác có thực hiện hành vi trên với mình thì cần kể lại cho cha mẹ biết ngay.

Mặt khác, ngay kể cả giáo viên tiểu học ở những trường khảo sát, khi nhóm nghiên cứu trò chuyện nhằm tìm hiểu thực tế giảng dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học thì nhiều giáo viên còn thấy e ngại, không biết dùng từ ngữ thích hợp để giải thích cho trẻ. Họ cho rằng, đây là những vấn đề nhạy cảm rất khó dạy cho trẻ.

Nhóm nghiên cứu đưa ra một số biện pháp giáo dục kỹ năng ứng phó với hành vi xâm hại thân thể cho HSTH: tạo cơ hội cho trẻ tương tác, được trải nghiệm nhằm rèn luyện kỹ năng ứng phó với hành vi xâm hại thân thể cho HSTH; xây dựng và đưa nội dung giáo dục kỹ năng ứng phó hành vi xâm hại thân thể cho HSTH một cách toàn diện hơn theo hướng tích hợp với các hoạt động dạy, hoạt động vui chơi và các hoạt động khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục kỹ năng ứng phó với hành vi xâm hại thân thể cho học sinh tiểu học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO