Giáo dục đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp mạnh mẽ để “vượt trũng”

ANH THƯ| 17/06/2019 07:40

KHPTO - Theo bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực trù phú, điều kiện thiên nhiên tốt, là một trong những khu vực tăng trưởng kinh tế trọng điểm. Mặc dù có sự cố gắng trong phát triển kinh tế, quan tâm tới các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo, tuy nhiên giáo dục ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, đây vẫn là “vùng trũng” về giáo dục đào tạo.

Bộ trưởng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới hạn chế trong phát triển giáo dục của ĐBSCL, một trong số đó là chi ngân sách địa phương cho giáo dục của ĐBSCL thấp nhất cả nước, thấp hơn cả những vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên. Cơ cấu chi bất hợp lý, mầm non ít, bậc phổ thông, đặc biệt trung học tốt hơn.

Bộ trưởng cũng đề cập đến những nhóm giải pháp thuộc về địa phương như điều kiện đảm bảo chất lượng, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, tài chính... Theo bộ trưởng, nếu không có sự phối hợp của các địa phương, mục tiêu “nâng trũng” cho giáo dục ĐBSCL sẽ rất khó thành công.

Bộ giáo dục và đào tạo sẽ tổng hợp các ý kiến từ các địa phương và làm việc với các bộ ngành liên quan, chọn những đề xuất cấp bách, có tính đặc thù, khả thi dựa trên những luận cứ thuyết phục làm căn cứ để tham mưu cho Chính phủ.

Về phía Bộ giáo dục và đào tạo cũng sẽ tiếp tục rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định sát với thực tế. Bộ cũng sẽ rà soát các thông tư liên tịch, thông tư trong thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục ĐBSCL.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ giáo dục và đào tạo đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá giáo dục các địa phương, qua đó nhìn nhận chất lượng giáo dục của từng địa phương, từng vùng, để biết đâu là vùng trũng và trách nhiệm đến đâu của từng bộ, ngành, địa phương.

“Không thể giải quyết những vấn đề của giáo dục bằng những chủ trương chung chung mà cần tính đến đặc thù của từng địa phương, để mỗi địa phương chủ động vươn lên chứ không phải nhìn nhau để phát triển” - bộ trưởng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp mạnh mẽ để “vượt trũng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO