Giáo dục đại học cần thay đổi để tương thích với cách mạng công nghiệp 4.0

ANH THƯ| 21/01/2020 08:34

KHPTO - Trường đại học sư phạm TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học: “Đổi mới phương pháp dạy và học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, ở thời đại 4.0, sáng tạo và khảnăng giải quyết vấn đềsẽ là yếu tố chính đánh giá năng lực lao động của con người. Đó cũng là những yếu tố duy nhất mà con người hơn robot và trí tuệ nhân tạo. Để đạt được những phẩm chất này, giáo dục và nhất là giáo dục đại học phải thay đổi tương thích.

Cần chủ động tiếp cận với những thực tiễn của cách mạng công nghiệp 4.0

Với tham luận “Mô hình CDIO - Cách tiếp cận nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0”, tác giả Trần Mai Ước, Trường đại học ngân hàng TP.HCM cho rằng, CMCN 4.0 đang diễn ra từng ngày, từng giờ và chắc chắn sẽ tác động tới giáo dục đại học. Chính vì thế, các đại học càng không thể thỏa mãn với kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn của các tổ chức đã được Bộ giáo dục và đào tạo cấp phép mà cần chủ động tiếp cận với những thực tiễn của CMCN 4.0 để luôn làm mới chính mình. Những bước nhảy vọt của CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức và phát sinh thêm rất nhiều ngành nghề mới trên thị trường lao động. Sự thay đổi này đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng. Để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội, vượt qua những thách thức từ cuộc CMCN 4.0, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng hơn nữa nhu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, thì việc tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, phù hợp xu thế, khuynh hướng phát triển của thế giới, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Tham luận “Những xu hướng của giáo dục đại học 4.0 - Tình huống thực tế tại Mỹ”, nhóm tác giả Bùi Thị Thiện Mỹ, Trần Thị Thu Hương, Trường đại học ngân hàng TP.HCM, nhận thấy, cần xây dựng trường đại học như là một hệ sinh thái học tập: trọng tâm là xây dựng hệ thống tri thức học tập mà nhân tố chủ đạo là đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên có năng lực và phẩm chất đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của giáo dục đại học 4.0: sáng tạo, tư duy phản biện, hợp tác, đàm phán và thông minh cảm xúc. Song song đó, cần đầu tư và phát triển hệ thống công nghệ học tập dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vững chắc, từng bước vận hành rộng rãi hệ thống e-learning, các phần mềm mô phỏng, thực tế ảo... trong giảng dạy. Việc đánh giá đầu ra của sinh viên cần tương thích với các hoạt động của hệ thống bối cảnh học tập. Trường đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên đối chiếu kiến thức với thực tế, đồng thời nhà trường đối chiếu chương trình đào tạo với nhu cầu của thị trường.

Nghe giảng ở nhà - đến lớp áp dụng, nâng cao

Trình bày “Một số ứng dụng dạy học e-learning trong bối cảnh CMCN 4.0”, tác giả Nguyễn Văn Trung, Trường đại học giao thông vận tải TP.HCM, cho biết, nhà trường đã ban hành quy chế ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, thúc đẩy quá trình giảng dạy (phục vụ cả cho việc giảng dạy trực tiếp tại trường và giảng dạy từ xa).

Quá trình đào tạo qua mạng cũng là cơ sở cho việc chuyển đổi một phần mô hình lớp học truyền thống sang dạng flipped classroom trong tương lai. Các học phần trực tuyến đang được xây dựng, và nhà trường có những chính sách để khuyến khích cho công tác này với định hướng lâu dài là có thể dần xây dựng mô hình flipped classroom.

Với lớp học truyền thống hiện nay, mô hình đang áp dụng là: “Đến lớp nghe giảng - về nhà áp dụng, nâng cao”. Trong mô hình lớp học truyền thống, có tới gần 90% thời gian dành cho việc giảng viên giảng bài để học sinh hiểu và nhớ. Chỉ có khoảng 10% thời gian trên lớp là được dành cho các hoạt động đòi hỏi mức tư duy cao hơn. Từ thực tế đó, các nhà giáo dục đã đưa ra mô hình mới giúp cải thiện hiệu quả của việc dạy và học: mô hình flipped classroom. Đây là một mô hình học tập ra đời từ năm 2007, là sự đảo ngược của mô hình lớp học truyền thống, với sự áp dụng quy trình mới: “Nghe giảng ở nhà - đến lớp áp dụng, nâng cao”. Sinh viên sẽ chủ động nghe giảng (một hay nhiều lần) ở nhà qua mạng Intemet, với các video ngắn cho từng nội dung nhỏ đã được giảng viên chuẩn bị, định hướng trước. Trong buổi học trên lớp, sinh viên sẽ được giải đáp thắc mắc, cùng nhau luyện tập, vận dụng các kiến thức đã tiếp thu qua việc nghe bài giảng ở nhà dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đại học cần thay đổi để tương thích với cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO