Giáo dục công dân và toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Như Quỳnh| 30/07/2017 09:33

KHPTO - Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo dục công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân.

Giáo dục công dân thông qua tất cả các môn học

Giáo dục công dân được thực hiện thông qua tất cả các môn học, nhất là các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hoạt động trải nghiệm, trong đó đạo đức (tiểu học), giáo dục công dân (trung học cơ sở), giáo dục kinh tế và pháp luật (trung học phổ thông) là những môn học cốt lõi. Mạch nội dung Giáo dục công dân xoay quanh các mối quan hệ của con người với bản thân, với người khác, với cộng đồng, đất nước, nhân loại, với công việc và với môi trường tự nhiên; được xây dựng trên cơ sở kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và toàn cầu; mở rộng và nâng cao dần từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung môn Giáo dục công dân được phân chia theo hai giai đoạn.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản môn đạo đức ở tiểu học, giáo dục công dân ở trung học cơ sở là những môn học bắt buộc. Nội dung chủ yếu của các môn học này là giáo dục đạo đức, pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống. Các mạch nội dung này định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ở trung học phổ thông, nội dung giáo dục công dân tập trung vào giáo dục kinh tế và pháp luật. Đây là môn học dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề giáo dục chính trị, giáo dục công dân, kinh tế, hành chính và pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật, thiết thực đối với định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh, gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, kỹ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong các quan hệ kinh tế và pháp luật.

Toán: kết hợp cấu trúc tuyến tính với “đồng tâm xoáy ốc”

Giáo dục toán học hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học với các thành tố cốt lõi là: năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình hóa toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, năng lực giao tiếp toán học, năng lực sử dụng các công cụ và phương tiện học toán; phát triển kiến thức, kỹ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn.

Giáo dục toán học tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với các môn học khác và giữa toán học với đời sống thực tiễn.  Giáo dục toán học được thực hiện ở nhiều môn học như toán, vật lý, hoá học, sinh học, công nghệ, tin học, hoạt động trải nghiệm,... trong đó toán là môn học cốt lõi.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung môn Toán được phân chia theo hai giai đoạn.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản môn toán là môn học bắt buộc ở tiểu học và trung học cơ sở, giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

 Chương trình môn Toán giai đoạn giáo dục cơ bản kết hợp giữa cấu trúc tuyến tính với cấu trúc “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: số và đại số; hình học và đo lường; thống kê và xác suất. 

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, toán là môn học bắt buộc ở trung học phổ thông. Chương trình môn toán ở giai đoạn này cũng kết hợp cấu trúc tuyến tính với cấu trúc “đồng tâm xoáy ốc”, xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: số và đại số, hình học và đo lường, thống kê và xác suất.

 Chương trình môn toán ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp cho học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

Ở lớp 10, chương trình môn toán giúp học sinh củng cố vững chắc học vấn toán học phổ thông cốt lõi, hoàn thiện dần các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh bước đầu nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân, có được thái độ tích cực đối với môn Toán.  Ở các lớp 11 và lớp 12, môn toán được phát triển trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 10, được lựa chọn từ những vấn đề cần thiết nhất, mang tính ứng dụng cao đối với học sinh với các định hướng nghề nghiệp khác nhau sau trung học phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục công dân và toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO