Giáo dục 4.0: không thể chậm trễ nữa!

Anh Thư| 11/11/2018 09:02

KHPTO - Khác với các cuộc cách mạng trước chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước phát triển cao, cách mạng công nghiệp 4.0 lan toả và tác động toàn cầu, trong đó có các quốc gia đang phát triển. Để có thể chủ động thích ứng và tận dụng những tiến bộ của CMCN 4.0, mỗi quốc gia cần chuẩn bị đào tạo, phát triển thế hệ công dân 4.0. Đã đến lúc cần phải xác định rõ mô hình giáo dục phù hợp với bối cảnh mới.

Hội thảo "Mô hình giáo dục 4.0 và áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam" vừa được Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức hướng đến mục đích này.

Chuẩn bị cho lực lượng lao động 4.0

PGS.TS.Vũ Hải Quân, phó giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) khẳng định, sự thay đổi nhanh chóng của xã hội do tác động của cuộc CMCN 4.0 đã đặt ra nhiều vần đề cấp thiết. CMCN4.O cần nền giáo dục (GD) 4.0 đề chuẩn bi cho lực lượng lao động 4.0 và công dân 4.0, do vậy việc tìm hiểu đặc trưng, bản chất của nền GD 4.0 và áp dụng, triển khai vào điều kiện tại Việt Nam là một yêu cầu không thế trì hoãn. Đã có nhiều hội thảo, toạ đàm, diễn đàn trong và ngoài nước bàn về bản chất, tác động, ảnh hưởng của CMCN 4.0 cũng như sự chuẩn bị của giáo dục đại học đối với cuộc cách mạng công nghiệp này. Tuy nhiên, các nội dung được trao đổi, thảo luận về chủ đề này trong thời gian qua cũng chỉ mang tính chất gợi mở, chưa thật sự đưa ra những kết luận mang tính hướng dẫn cụ thể cho việc áp dụng, triển khai GD 4.0 vào bối cảnh hiện nay của giào dục đại học Việt Nam.

Với sứ mệnh của mình, ĐHQG-HCM luôn tiên phong việc thực hiện vai trò, chức năng của giáo dục đại học. Trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, từ 2010 ĐHQG-HCM đã triển khai thí điểm mô hình CDIO và cho đến nay đã đạt được những thành quả nhất định. Trên nền tảng đó, ĐHQG-HCM tiếp tục phát triển đề án CDIO thành đề án GD 4.0 trên nền tảng CDIO hiện đại với mục tiêu "Vận dụng kết quả từ việc áp dụng mô hình CDIO trong đào tạo đại học và sau đại học nhằm cải tiến chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội theo những chuẩn mực chất lượng quốc tế, hướng đến phát triển một mô hình đào tạo theo CDIO và giáo dục 4.0 tại ĐHQG-HCM và nhân rộng, phát triển mô hình cho hệ thống giáo dục Việt Nam".

Hội thảo "Mô hình giáo dục 4.0 và áp dụng, triển khai trong điều kiện tại Việt Nam" và khoá tập huấn về "Chương trình đào tạo, hoạt động dạy học thích ứng bối cảnh CMCN 4.0” vừa được ĐHQG-HCM tổ chức  là những nội dung được triển khai phục vụ cho đề án. Hội thảo đã tập trung vào mục tiêu: làm rõ bản chất, đặc trưng của mô hình GD 4.0 và đưa ra những gợi ý cho việc áp dụng, triển khai nó trong điều kiện tại Việt Nam.

Với chủ đề đã đặt ra, hội thảo đã nhận được sự đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế; đội ngũ nhà quản lý giáo dục đại học; đại diện doanh nghiệp và đội ngũ giảng viên - những người trực tiếp tạo nên chất lượng đào tạo nên thế hệ công dân 4.0 trong tương lai.

GS.TS. Nguyễn Lộc, phó hiệu trưởng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trình bày về giáo dục đại học và cách mạng công nghiệp 4.0. Bài tham luận tập trung vào làm rõ bản chất và đặc trưng cơ bản của giáo dục đại học 4.0 trong bối cảnh CMCN 4.0. Đặc biệt, tham luận làm rõ được quan điểm tiếp cận chủ đạo trong mô hình giáo dục đại học 4.0 để từ đó có sự hướng dẫn cụ thể cho việc phát triển chương trình, triển khai giảng dạy và thực hiện chương trình đào tạo trong trường đại học một cách thành công.

TS. Nguyễn Thanh Phượng, giám đốc quốc gia, Trường đại học Bang Arizona, Mỹ, đại diện nhóm chuyên gia của trường báo cáo về xây dựng đại học tự chủ: mô hình đại học mới của Mỹ và những gợi ý cho hệ thống đại học Việt Nam, mô tả mô hình trường đại học mới với đặc trưng là doanh nghiệp tri thức. Đây là mô hình mới được phát triển để thay thế cho mô hình giáo dục truyền thống đã không còn phù hợp, do xã hội Mỹ đang diễn ra sự thay đổi nhanh chóng ở mọi lĩnh vực. Có 7 đặc trưng của mô hình doanh nghiệp tri thức được phân tích kỹ đã mang lại những gợi ý mang tính hệ thống và lý thú, hữu ích cho trường đại học Việt Nam trong nỗ lực thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh hiện tại và tương lai.

Với chủ đề giáo dục 4.0: cơ hội để tư duy lại giáo dục đại học được trình bày bởi TS. Megan Bulloch, giám đốc phụ trách kiểm định, đổi mới và văn hoá đại học, Trường đại học Fulbright Việt Nam, đã đề cập đến các tác động của CMCN 4.0 đối với hoạt động giảng dạy ở trường đại học. Theo đó, để thích nghi, trường đại học cần xác định những năng lực, kỹ năng cốt lõi, lựa chọn nội dung, sử dụng các tiếp cận và phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày nay.

Xu hướng mới xuất hiện

Với tham luận “Thay đổi hoạt động đào tạo đại học khối ngành khoa học kỹ thuật thích ứng với CMCN 4.0”, nhóm tác giả PGS.TS.Mai Thanh Phong, PGS.TS.Bùi Hoài thắng, PGS.TS.Trần Thiên Phúc, Trường đại học bách khoa TP.HCM đã phân tích bối cảnh và đưa ra các đề xuất, giải pháp thiết thực liên quan đến hoạt động giáo dục tại ĐHQG-HCM, nhằm nâng cao năng lực thích ứng của hệ thống với các tác động từ bên ngoài.

Theo đó, sự phát triển kỳ diệu của Internet, cũng như hệ thống cảm biến tinh vi đã cho phép một xu hướng mới xuất hiện, đó là khả năng triển khai hoạt động sản xuất mà người lao động có thể ở cách xa vị trí sản xuất - hình thức làm việc tại nhà, ngay cả đối với công việc điều khiển máy móc thiết bị. Để làm được điều này, người lao động cần được trang bị những kiến thức nhất định về kỹ thuật số, kết nối vạn vật, bảo mật thông tin trên Internet hay các vấn đề về xử lý dữ liệu lớn, dữ liệu đám mây, blockchain,.... Kiến thức kỹ thuật số giờ không còn là kiến thức cao cấp, chuyên biệt mà trở thành nhu cầu thiết yếu cần đư­ợc trang bị cho người lao động để có thể hiểu biết và ứng dụng, trải nghiệm thuần thục nhất, nhằm chuẩn bị cho khả năng nghề nghiệp trong tương lai.

Khi sự bình đẳng thông tin nhờ mạng Intemet đã trở thành hiện thực, một mô hình mới đang dần xuất hiện cụ thể cho hoạt động đào tạo - mô hình trường học không sinh viên. Với mô hình này, các hoạt động dạy - học, kể cả thực hành thí nghiệm trên thiết bị đều có thể tiến hành từ xa. Và vì vậy nhà trường giờ đây sẽ là một trạm kết nối và phân phối thông tin mạnh, thúc đẩy loại hình lớp học ảo MOOCs, có khả năng thu nhận số lớn sinh viên với các lớp học, phòng thí nghiệm xưởng thực hành ảo.

Xu hướng công dân toàn cầu, làm việc với nhóm rất lớn cũng dần rõ nét, làm tăng nhanh nhu cầu giao tiếp, liên lạc trên toàn thế giới. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày càng phẳng và kỹ thuật sản xuất đồng thời càng có cơ hội phát triển mạnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục 4.0: không thể chậm trễ nữa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO