Giàn Gừa Nhơn Nghĩa

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG| 08/07/2019 20:36

KHPTO - Khu di tích Giàn Gừa hiện tọa lạc tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ nhiều năm qua thu hút khách du lịch mọi miền. Đặt chân đến khu di tích, mọi người cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhàng, không khí thật mát mẻ dễ chịu vì trên không là những tàn cây đan xen, khép kín tạo thành một tán dù thiên nhiên khổng lồ.

Nhìn những tàn cây to khỏe giống như những cánh tay khổng lồ đang lấn dần ra ngoài khuôn viên, chúng ta có cảm tưởng như giàn gừa đang tiếp tục mở rộng thêm vòng tay lớn.

Nếu thích, bạn bè có thể lót giấy ngồi dưới bóng cây để lai rai, làm thơ hoặc trải nghiệm về cuộc sống. Trẻ con cũng có thể leo lên cây tha hồ hóng gió mà không sợ nguy hiểm vì tàn nhánh hầu hết đều là đà gần mặt đất. Có thể nói, đây là một giàn gừa - một tàn cây lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 2.700 m2, chứa khoảng 2.000 người quây quần dưới bóng cây mà không sợ nắng.

Gừa có tên khoa học là Ficus microcarpa, họ Dâu tằm (Moraceae), là một loài cây phổ biến ở miền Tây sông nước, thường mọc hoang dọc theo các kênh rạch, sông ngòi. Nhưng nét độc đáo của giàn gừa Nhơn Nghĩa là tuy trải qua nhiều đời nhưng cây vẫn xinh tươi, khỏe khoắn, không hề bị chặt phá. Có lẽ nhờ vậy mà bộ rễ cứ tiếp tục phát triển và cắm sâu vào lòng đất, cành này đan xen vào cành kia hoặc quyện chặt vào nhau tạo thành một tổng thể hài hòa có sức sống kỳ diệu.

Chuyện kể rằng, vào thời khai hoang mở cõi, có một gia đình họ Nguyễn đến vùng đất Nhơn Nghĩa này lập nghiệp. Trong quá trình khai khẩn, không may giàn gừa bốc cháy khiến cảnh vật trở nên hoang tàn. Không bao lâu sau, trong làng lại có nhiều người mắc bệnh lạ không chữa khỏi. Sau đó, có một vị đạo sĩ từ xa đến bốc thuốc chữa trị, ông còn cho biết giàn gừa này là một không gian thiêng, nơi ngự của bà Thượng Động Cố Hỷ. Nay muốn cho dân tình an cư lạc nghiệp, bà con phải trồng lại hàng gừa và hàng năm làm lễ cúng bà.

Xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, bà con nơi đây đã dựng lên miếu thờ bà Thượng Động Cố Hỷ, vị nữ thần được nhiều người tôn kính như một ân nhân của dân làng. Miếu thờ lúc đầu còn đơn sơ nhưng nay đã được tôn tạo và hàng năm đều có cúng lệ do dòng tộc họ Nguyễn đứng ra làm chủ lễ.

Trải qua 6 thế hệ, họ Nguyễn vẫn tiếp tục sinh sống nơi đây và con cháu thay nhau giữ gìn, tôn tạo nơi thờ phụng ngày càng trang nghiêm kính cẩn.

Năm 2011, huyện ủy và UBND huyện Phong Điền đã chọn nơi đây làm Khu di tích lịch sử văn hóa và được đặt tên là “Khu di tích lịch sử văn hóa Giàn Gừa”. Đặc biệt, trong ngày lễ hội truyền thống 8/4/2013, bà con xã Nhơn Nghĩa đã vui mừng đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp thành phố “Di tích lịch sử Giàn Gừa”. Điều vinh dự hơn nữa là giàn gừa nói trên đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, Giàn Gừa Nhơn Nghĩa được coi là buồng phổi thứ hai của người dân Phong Điền, là biểu trưng văn hóa đã làm nên phần hồn của một vùng đất. Ông Nguyễn Hồng Minh, trưởng ấp Nhơn Khánh cho biết, du khách đến đây chủ yếu là được tận hưởng không khí trong lành, giúp cho tâm hồn thư thái và yên tĩnh sau những ngày làm việc căng thẳng.

dg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giàn Gừa Nhơn Nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO