Giảm đau bằng thuốc

06/01/2007 04:56

Việc sử dụng thuốc giảm đau lần đầu cho bệnh nhân ung thư tốt nhất là bắt đầu với liều cao. Sau đó có thể giảm liều một cách từ từ đến lượng cần thiết. Đồng thời cần điều trị tác dụng phụ của thuốc giảm đau như nôn, táo bón,...

Đối với bệnh nhân ung thư, mục tiêu của liệu pháp sử dụng thuốc giảm đau là ngăn chặn đau hơn là điều trị đau. Bệnh nhân ung thư phải thường xuyên uống thuốc ngay cả khi đau, nôn và các triệu chứng khác xảy ra. Việc dùng thuốc thường xuyên giúp duy trì nồng độ thuốc trong huyết tương để có thể giảm đau thường xuyên.

Thuốc giảm đau sử dụng bằng đường uống là đơn giản nhất. Tăng liều dần nếu không giảm đau. Không chờ đến khi bệnh nhân đau mới cho uống mà nên uống đều đặn để liều kế tiếp có tác dụng trước khi cơn đau xảy ra.

Các thuốc giảm đau có thể dùng

- Paracetamol uống đều mỗi 4 giờ. Nếu không giảm đau thì dùng phối hợp paracetamol 300 mg và codein 30 mg, thuốc có tác dụng hiệp đồng (giảm đau trung ương và tại chỗ), nhưng codein dễ gây táo bón vì thế cần uống thêm thuốc nhuận trường.

- Đau do xương cần các loại kháng viêm thông thường, ngoài ra cũng có thể thêm steroid khi có sự đè ép từ các khối u cứng hay căng kéo.

- Dùng steroid: corticosteroid có tác dụng làm giảm tạm thời các phản ứng quanh khối u, giảm sưng và co kéo, do đó làm giảm đè các mô mềm quanh khối u. Bằng cách giảm phản ứng viêm của khối u, giảm sản xuất cytokin và prostaglandin, các chất này kích thích các mút tận cùng dây thần kinh cảm giác gây đau. Vì vậy, steroid có giá trị đối với bất kỳ khối u nào cũng như đau tức ở gan do di căn hay nhức đầu do tăng áp lực nội sọ do ung thư di căn vào não.

Nếu không hết đau, bước tiếp theo sẽ là morphin. Với liều lượng nhỏ 5 - 10 mg morphin 4 giờ/lần tiêm dưới da sẽ có hiệu quả tốt với các dạng đau nhạy cảm với morphin. Việc dùng morphin đã giúp giảm bớt các thủ thuật trong chăm sóc làm dịu đau ở bệnh nhân ung thư.

Các phương pháp can thiệp khác

- Phẫu thuật: điều trị bằng phẫu thuật thần kinh thích hợp ở những bệnh nhân mà các phương pháp điều trị nhẹ nhàng hơn không hiệu quả. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ rễ dây thần kinh ngoại biên hay đường dẫn truyền cảm giác đau. Bệnh nhân mất cảm giác đau nhưng vẫn còn đầy đủ chức năng vận động. Phương pháp này giúp giảm đau kéo dài, tuy nhiên nguy cơ của phẫu thuật là rất lớn vì biến chứng liệt vĩnh viễn có thể xảy ra do tổn thương tủy hay cắt nhầm dây thần kinh vận động.

- Xạ trị: rất có giá trị để giảm đau ở các mô tổn thương tại chỗ do khối u gây ra. Thường xạ trị đặc biệt chỉ dùng cho: đau do tổn thương ở xương, tĩnh mạch chủ trên, khí quản, thực quản bị tắc nghẽn, đè ép cột sống và ung thư di căn não. Điều trị ngắn hay dù chỉ một liều duy nhất xạ trị thường áp dụng ở giai đoạn cuối vì nó giúp giảm đau và kéo dài thêm cuộc sống cho bệnh nhân.

- Hóa trị liệu: góp phần chính làm giảm đau nhờ tác dụng trực tiếp lên khối u, làm giảm kích thước của khối u và phản ứng viêm xung quanh.

- Gây tê ngoài màng cứng: là một dạng gây tê vùng, là một liệu pháp hữu hiệu trong việc điều trị đau do ung thư. Phương pháp này giúp giảm đau rất tốt, tác dụng trong thời gian dài, giảm đau từ từ, không phải tiêm thuốc lặp lại nhiều lần, không có tác dụng đáng kể lên cảm giác, tác dụng ít trên huyết áp và nhịp tim.

- Thủ thuật gây liệt thần kinh: biện pháp triệt để nhất đối với cơn đau dữ dội là dùng thủ thuật cắt đứt đường dẫn truyền thần kinh. Tùy theo vị trí đau, các đám rối thần kinh và các dây thần kinh dẫn truyền sẽ bị cắt hay phong bế.

- Châm cứu bằng laser bán dẫn: có tác dụng chống viêm, giảm tính thấm thành mạch, giảm phù nề, kích thích quá trình tái tạo tổ chức, giảm quá trình hoại tử nên có tác dụng giảm đau.

- Liệu pháp miễn dịch học: có thể áp dụng riêng lẻ hay hỗ trợ sau khi sử dụng các liệu pháp khác như phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm đau bằng thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO