Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm

Đ.TUẤN| 05/01/2020 18:27

KHPTO - Theo kết quả điều tra sản xuất nấm của Trung tâm nghiên cứu và phát triển nấm (năm 2018), sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của Việt Nam trong thời gian qua có nhiều thay đổi theo xu hướng tăng nhanh. Tổng sản lượng nấm của cả nước đạt khoảng 135 ngàn tấn trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng sản lượng nấm qua các năm bình quân đạt 11,88%/năm.

Vừa qua, tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao”, Cục trồng trọt, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn nhìn nhận: Đồng Nai là tỉnh có ngành sản xuất nấm điển hình và tiêu biểu nhất tại vùng Nam bộ, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.000 hộ tham gia sản xuất và chế biến nấm. Tại An Giang, từ năm 2014 đến nay, diện tích trồng nấm ăn (chủ yếu là nấm rơm) trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên; năm 2014, diện tích trồng nấm là 300 ha, đến nay duy trì khoảng 400 ha; với kinh nghiệm sản xuất không ngừng cải tiến qua từng năm, nhờ đó sản lượng tăng dần, trên 3.000 tấn vào năm 2014, đến năm 2018 là trên 4.200 tấn. Ngoài ra, các tỉnh khác như TP.HCM, Long An, Kiên Giang... cũng tham gia sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, tập trung chủ yếu là sản xuất nấm rơm và nấm bào ngư. Về hình thức tổchức sản xuất nấm thì rất đa dạng như: hộ gia đình, trang trại, gia trại nấm; hợp tác xã, tổ hợp tác trồng nấm và doanh nghiệp sản xuất nấm. Trong đó, hình thức sản xuất quy mô nông hộ phổ biến nhất, các hộ dân tự sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua thương lái tại nơi sản xuất, một số ít tiêu thụ ở cửa hàng, siêu thị hoặc chế biến thành các sản phẩm (muối, sấy khô).

Để phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao, TS. Trần Văn Khởi, giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia đã tổng hợp các giải pháp như sau:

- Về quy hoạch: ngành nông nghiệp địa phương cần có quy hoạch của từng vùng về chủng loại nấm, mùa vụ sản xuất, gắn sản xuất với thị trường.

- Về tổ chức sản xuất theo hình thức cộng đồng nông dân hiệu quả như hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, câu lạc bộ cùng sở thích, làm cơ sở để tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, liên kết sản xuất.

- Cần tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến nông dân như giống mới, quy trình sản xuất mới, chế biến...

- Xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất về xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại sản phẩm phục vụ tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

Đồng thời, TS. Trần Văn Khởi cũng đề nghị trung tâm khuyến nông các tỉnh tăng cường hơn nữa tư vấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất nấm, những tiến bộ kỹ thuật mới, chính sách hỗ trợ, thủ tục hình thành và vận hành các tổ chức của nông dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO