Giải pháp tăng hiệu quả liên kết “3 nhà

ANH ĐỨC| 16/08/2019 11:02

KHPTO - Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề luôn được quan tâm, đó là sự hợp tác giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản và nông dân thông qua hợp đồng tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, có sự hỗ trợ của chính quyền và tư vấn của nhà khoa học. Liên kết là xu hướng tất yếu của quá trình sản xuất tiêu thụ nông sản, vậy giải pháp nào để liên kết thành công?

Liên kết giảm rủi ro

Liên kết “3 nhà’’, “4 nhà’’ thời gian qua chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong muốn, thực tiễn cho thấy các mối liên kết này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn với hiệu quả không cao do việc phá vỡ hợp đồng diễn ra từ hai phía là nông dân và doanh nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp luôn chịu nhiều rủi ro xảy ra do dịch hại, thiên tai, môi trường, giá cả. Rủi ro này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn trong sản xuất nông thủy sản ở nước ta nói chung.

Đặc biệt trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, tự phát và thiếu chuyên nghiệp như hiện nay thì rủi ro là nguyên nhân tiềm ẩn có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong quá trình sản xuất.

Tình trạng rủi ro do được mùa mất giá thường xuyên xảy ra khi vào vụ thu hoạch đã khiến không ít nông dân lao đao với quyết định nên hay không nên tiếp tục hoạt động sản xuất của mình. Đồng thời, doanh nghiệp và nhà máy chế biến cũng không thể chủ động được lượng nguyên liệu đầu vào do sự thay đổi ý định sản xuất này của nông dân.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/ QĐ-TTg ngày 24/6/2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Từ quyết định này, rất nhiều chương trình phát triển mối liên kết "4 nhà" gồm doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý đã được các địa phương khởi xướng và thúc đẩy thông qua hàng loạt chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Chương trình liên kết được các địa phương nỗ lực, tuy nhiên không mang lại kết quả như mong đợi, thậm chí dẫn đến các vụ thưa kiện vì phá vỡ hợp đồng.

Giải pháp nào cho liên kết bền vững?

Theo chuyên gia nông nghiệp Hồ Thị Minh Hợp (Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), bản chất của nền nông nghiệp nước ta hiện nay là sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch và khó kiểm soát. Tình trạng một lượng lớn nông dân đổ xô vào sản xuất những mặt hàng có tính lợi nhuận cao đã làm cho cung lớn hơn cầu diễn ra phổ biến với hầu hết các mặt hàng nông sản hàng hóa. Điều này làm cho doanh nghiệp chưa phải chịu sức ép từ thị trường nông sản để buộc phải ký hợp đồng bao tiêu với nông dân nhằm tạo vùng nguyên liệu riêng để cạnh tranh.

Như vậy, trước hết xét về mặt quản lý vĩ mô thì việc xây dựng quy hoạch đối với vùng nuôi trồng là vấn đề đầu tiên phải được giải quyết. Khi đó, chỉ cho phép nông dân sản xuất đối tượng cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa phù hợp với quy hoạch đề ra, hạn chế tình trạng sản xuất tràn lan, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó phải tổ chức sản xuất cho nông dân theo tổ/nhóm có tư cách pháp nhân cũng là một giải pháp hạn chế tính nhỏ lẻ của sản xuất. Chỉ có hình thành được các tổ/nhóm sản xuất có tư cách pháp nhân thì nông dân mới có thể có được sức mạnh để thương thảo và đàm phán với doanh nghiệp thu mua chế biến.

Thông qua sự tăng trưởng về quy mô kinh tế và ứng dụng những dịch vụ mang tính định hướng thị trường như quản lý chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận hàng hóa, nhãn mác sản phẩm sản xuất ra thì nông dân có thể phần nào khống chế được sức ép của doanh nghiệp khi thu mua cuối vụ và tăng khả năng quản trị trong chuỗi hàng hóa.

Đồng thời, tư cách pháp nhân của tổ/nhóm cũng cho phép nông dân tự đứng ra vay vốn khi tham gia liên kết mà không phải thông qua tư cách pháp nhân của doanh nghiệp chế biến như thực trạng trước nay vẫn xảy ra.

Một vấn đề quan trọng để việc thực hiện liên kết giữa các nông dân thành tổ/nhóm thành công đó là sự trung lập của cá nhân lãnh đạo tổ/nhóm. Nếu cá nhân lãnh đạo tổ/nhóm cũng là người tham gia sản xuất như các thành viên khác thì khả năng thành công rất thấp do không giải quyết được vấn đề cốt lõi của liên kết: minh bạch và hài hòa lợi ích của từng bên.

Đẩy mạnh vai trò quản lý nhà nước

Chú trọng xây dựng và phát triển các hình thức bảo hiểm trong sản xuất nông thủy sản là giải pháp có thể giải quyết được rủi ro cho các bên khi tham gia liên kết. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là không thể thiếu trong việc phát triển các mối liên kết theo chiều dọc. Chỉ có các cơ quan này mới có thể cầm chịch khâu nối các tác nhân từ nhà cung cấp đầu vào, nông dân, cơ sở thu mua, nhà máy chế biến và ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết.

Tuy nhiên, để nâng cao vị thế và vai trò của các cơ quan này thì việc xây dựng một khung pháp lý để có thể giải quyết xung đột lợi ích của các bên là không thể thiếu. Trong liên kết phải được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tạo mọi điều kiện thông thoáng cho các đối tượng tham gia để xây dựng thành công liên kết.

Từ sự thành công của các dự án thí điểm này mới cho áp dụng rộng rãi trên các địa phương nhằm tránh hiện tượng chạy theo phong trào, “người người liên kết, nhà nhà liên kết” gây tác động xấu đến tâm lý người sản xuất khi liên kết không thành công. Tóm lại, tái cơ cấu hình thức tổ chức sản xuất thông qua các mối liên kết là xu hướng tất yếu của quá trình sản xuất tiêu thụ nông sản không chỉ ở Việt Nam.

Phát triển các mối liên kết thông qua các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất là việc làm cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hướng tới một nền sản xuất bền vững. Sự kết hợp giữa nhóm sản xuất nông hộ có tư cách pháp nhân và cơ sở thu mua, chế biến thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm được xem là giải pháp tối ưu trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Hình thức này sẽ cải thiện năng lực cho người nông dân, đảm bảo quyền lợi và lợi ích, nâng cao thu nhập cho nông hộ, duy trì được tính năng động và sức mạnh thị trường nông sản nước ta. Đồng thời, kiểm soát được chất lượng sản phẩm sản xuất ra trong một chu trình sản xuất gần như khép kín.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp tăng hiệu quả liên kết “3 nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO