Giải pháp nào để phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp?

MAI DUNG| 30/09/2020 16:14

KHPTO - Bên lề hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo “Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030” do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức vừa qua tại TP.HCM, TS. Phạm Văn Tấn - phó giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch - cho biết, so với nhiều ngành sản xuất khác ở Việt Nam, nông nghiệp là ngành đang có mức đầu tư rất thấp.

Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cho cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp nói riêng, nhìn chung có hiệu quả thấp, thu hồi vốn lâu và có nhiều rủi ro. Vì vậy, quá trình đầu tư và phát triển CGH cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới cũng sẽ diễn ra với tiến độ chậm.

Dẫn chứng về lĩnh vực cây ăn trái, TS. Tấn cho biết thêm, trong nhiều năm trước đây, Nhà nước chưa có sự quan tâm đúng mức, cũng như chưa có chiến lược và chính sách hiệu quả để phát triển CGH sản xuất. Do đó, nhiều trường đại học đã không còn duy trì đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp. Các viện nghiên cứu chuyên ngành thiếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, phát triển CGH sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của khu vực phía Nam đang rất thiếu và yếu về nguồn nhân lực, tài chính và công nghệ để có thể sản xuất ra các loại máy nông nghiệp có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Thêm vào đó, hầu hết các Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Trung tâm khuyến nông khu vực phía Nam có rất ít cán bộ kỹ thuật về cơ khí nông nghiệp giúp triển khai ứng dụng máy móc vào sản xuất. Đây là những rào cản chính trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất trái cây trong một thời gian dài. Một số thiết bị, máy móc có thể hoạt động rất tốt và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao ở nước này, hay địa phương này. Tuy vậy, chúng chưa chắc có thể làm được điều ấy ở những nước khác hay địa phương khác. Vì lý do đó, để có thể phát triển hiệu quả và bền vững CGH sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thì các loại máy móc và thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, tốt nhất và nên nhất là do chính người Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng vào sản xuất.

Trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng máy móc, thiết bị để CGH cho từng khâu sản xuất phải có tính toán thật kỹ lưỡng để có thể đem lại hiệu quả kinh tế cho khâu sản xuất đó. Đồng thời, phải hướng đến mục tiêu CGH đồng bộ, từng bước tự động hóa và tiến tới điều khiển thông minh cho cả quá trình sản xuất. Không nên khuyến khích ứng dụng những loại thiết bị, máy móc chỉ có thể đáp ứng yêu cầu cho một hoặc vài khâu canh tác, mà chúng không có khả năng để tương thích với CGH đồng bộ cho cả quá trình sản xuất.

ThS. Phan Văn Hiệp – giảng viên khoa cơ khí Trường đại học Văn Hiến TP.HCM – cho rằng, một trong những ảnh hưởng đó là nguồn lực con người cho mảng cơ khí nông nghiệp hiện nay rất mỏng. Dẫn chứng cụ thể ngay tại TP.HCM, ông cho biết, trên cả nước hiện nay chỉ còn mỗi Trường đại học nông lâm TP.HCM còn đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp, với đầu vào chừng 70 sinh viên mỗi năm, các trường khác như Đại học Cần Thơ, Đại học bách khoa TP.HCM, Học viện nông nghiệp Việt Nam... đều đã đóng cửa ngành đào tạo này hơn 20 năm qua. Trong số 10.000 kỹ sư cơ khí nông nghiệp tốt nghiệp ra trường kể từ năm 1976, theo thống kê, hiện tại chỉ có khoảng 2% (chừng 200 người) trong số này còn làm việc đúng chuyên môn nhưng tất cả tập trung về các đô thị (trong khi khu vực cần họ nhất là các vùng nông thôn).

Vì thế, để phát triển CGH trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, theo ThS. Hiệp, cần có một cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể của Nhà nước, huy động được nguồn lực của xã hội cho việc nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp cơ khí nông nghiệp. Cần cơ chế chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển các công nghệ mới trong nông nghiệp, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp tư nhân; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, đặc biệt ngành cơ khí nông nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào để phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO