Gắn phát triển nghề nông thôn với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đô thị

ANH KHOA| 30/07/2021 14:07

KHPTO - UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo việc thực hiện một số nội dung trọng tâm về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn Thành phố, qua đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực làng nghề, ngành nghề nông thôn trên đại bàn.

Trong nhiều năm qua, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, nghề nông thôn luôn được Đảng, Chính phủ, Nhà nước và chính quyền các cấp tập trung quan tâm hỗ trợ với quan điểm xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tạo ra nhiều việc làm, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề có tác dụng rõ rệt đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể khẳng định rằng, sự phát triển ngày càng có chiều sâu, thực chất của các ngành nghề, làng nghề khi đã và đang được mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động đã thiết thực góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong cả nước nói chung và mục tiêu hoàn thành xây dựng thôn nông mới trên địa bàn TPHCM trong năm 2021 nói riêng.

Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và UBND các quận - huyện có làng nghề, ngành nghề nông thôn (gồm: quận 12, Gò Vấp, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ) phối hợp với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM rà soát quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn, xác định trọng tâm, trọng điểm và lộ trình triển khai để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, chú trọng đến các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, ngành nghề sinh vật cảnh, các sản phẩm theo chương trình OCOP, các làng nghề gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn để thu hút nhiều lao động địa phương; quan tâm đến công tác bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn; củng cố, kiện toàn lại chức năng nhiệm vụ và bộ máy, nhân sự quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề ở địa phương, giao đầu mối tham mưu và phối hợp cụ thể từng cấp, đặc biệt là ở cấp huyện. Rà soát lại quy hoạch các làng nghề, các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.

Mặt khác, tổ chức lại quy trình sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiệu thụ sản phẩm; gắn phát triển làng nghề với kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển vùng nguyên liệu, quan tâm đến quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn lao động, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để tạo ra sản phẩm, ngành hàng có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Rà soát, đề xuất danh mục các dự án phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Đặc biệt, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực làng nghề, ngành nghề nông thôn trên đại bàn Thành phố: Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn gửi Sở Tài chính TP.HCM tổng hợp vào dự toán phân bổ ngân sách trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cũng phải phối hợp UBND TP Thủ Đức và UBND các quận - huyện để hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.

Mặt khác, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM xây dựng và hỗ trợ các mô hình ngành nghề nông thôn có hiệu quả, ứng dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đề xuất cơ quan có thẩm quyền nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hộ dân, cơ sở sản xuất làng nghề, ngành nghề để thúc đẩy phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn Thành phố, chú trọng phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, ngành nghề sinh vật cảnh, các sản phẩm theo chương trình OCOP, các làng nghề gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn để thu hút nhiều lao động địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn phát triển nghề nông thôn với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO