Gắn kết nhà trường với các đơn vị sử dụng lao động

N. QUỲNH| 31/01/2020 06:56

KHPTO - Tại hội thảo: “Gắn kết nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự” do Trường đại học luật TP.HCM tổ chức, TS. Phan Anh Tuấn, khoa luật hình sự, cho rằng, gắn kết Trường đại học luật TP.HCM với các đơn vị sử dụng lao động là một trong những chính sách (định hướng) lớn, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo.

Phải đào tạo phù hợp với yêu cầu của xã hội

TS. Phan Anh Tuấn nhấn mạnh, sứ mệnh của trường là phải đào tạo ra những con người phù hợp với yêu cầu của xã hội trong cả cuộc đời của họ, mà cụ thể trước mắt là với các đơn vị sử dụng lao động. Chỉ gắn liền với xã hội, thì các sản phẩm đào tạo của nhà trường mới trở nên có giá trị và giá trị tổng thể, uy tín của nhà trường mới có thể nâng lên.

Gắn kết với các đơn vị sử dụng lao động khi đã là một chính sách sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc các đơn vị - phải hướng đến đơn vị sử dụng lao động, thay đổi chiến lược (chính sách) hoạt động của mình. Các định hướng lớn của nhà trường phải bao gồm mục tiêu - gắn kết với đơn vị sử dụng lao động về chính sách, về chi tiêu, ngoại giao... là một bộ phận bắt buộc. Ở cấp độ các khoa, phòng ban: chính sách gắn kết với đơn vị sử dụng lao động được phản ánh ở chương trình môn học, lựa chọn giáo viên giảng dạy cho phù hợp, môn học bổ sung... Ở cấp độ giáo viên: gắn kết với đơn vị sử dụng lao động và người học giúp cho giáo viên có sự gắn kết về chuyên môn không chỉ khi đang giảng dạy mà còn hỗ trợ cho người học sau giảng dạy.

Theo LS. Trương Nhật Quang, trưởng văn phòng luật sư Ánh Sáng Luật, việc gắn kết nhà trường với đơn vị sử dụng lao động được thể hiện dưới nhiều hình thức, như đơn vị sử dụng lao động tuyển dụng người lao động là người mới tốt nghiệp, tiếp nhận sinh viên đến thực tập, tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp hoặc nhà trường có thể mời những người có kinh nghiệm thực tiễn đến nói chuyện chuyên đề, tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, viết bài trong các ấn phẩm của nhà trường, thậm chí là cùng giảng viên biên soạn giáo trình nhằm lồng ghép kiến thức thực tiễn vào trong kiến thức lý thuyết...

Các buổi học cần có chuyên gia

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Duyên, khoa quản trị, Trường đại học luật TP.HCM cho biết, nhằm hạn chế số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng chất lượng cao cho xã hội, ngày nay rất nhiều trường đại học nói chung và Trường đại học luật TP.HCM nói riêng đã đưa ra rất nhiều loại hình đào tạo, trong đó có chương trình đào tạo đặc biệt mới mục đích tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, vững về kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ và thái độ phục vụ cho xã hội.

Hiện tại, chương trình đào tạo đặc biệt của nhà trường chưa có quy định bắt buộc các học phần phải có sự tham gia của các chuyên gia cũng như tổ chức vào trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, với sự chủ động của mỗi giảng viên mà học phần mình phụ trách tự lên kế hoạch và đề xuất bộ môn xem xét và duyệt. Các buổi học có sự tham gia của chuyên gia và các tổ chức có thể thực hiện tại trường và cũng có thể tại nơi làm việc của họ, hoặc một địa điểm mà học phần có đề cập đến. Về thời gian học, ngay buổi học chính của học phần hoặc cũng có thể phải sắp xếp một buổi học khác mà các chuyên gia và tổ chức có thể sắp xếp được. Nội dung cung cấp cho buổi học có thể chỉ là một vấn đề nhỏ nhưng trọng tâm, vấn đề “hot”, hoặc cũng có thể tổng quan. Tất cả những vấn đề đều ở góc nhìn thực tế mà chuyên gia và tổ chức đã thực hiện và nghiên cứu. Sinh viên sẽ được nghe những kinh nghiệm của họ, những việc tổ chức làm và những vấn đề thực tế mà thị trường và xã hội đang diễn ra.

TS. Đặng Tất Dũng, giảng viên khoa luật hành chính - nhà nước cho rằng, hội cựu sinh viên là một dạng tổ chức tập hợp cựu sinh viên hiện đang được các trường đại học tại Việt Nam, bao gồm Trường đại học luật TP.HCM quan tâm phát triển. Các cựu sinh viên được xem là nguồn tài nguyên quan trọng, góp phần vào việc phát triển nhà trường và đóng góp vào việc khẳng định vị trí của nhà trường trong xã hội. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động, phát triển bền vững mạng lưới này và tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và các cựu sinh viên, thì bốn bài học kinh nghiệm của các trường đại học lớn trên thế giới đã trải qua cũng là điều mà các trường đại học tại Việt Nam cần lưu ý, gồm: giải quyết rào cản tâm lý trong vận động tài chính từ các cựu sinh viên; tăng cường sự tham gia của các cựu sinh viên vào các hoạt động của nhà trường; xây dựng các chính sách về lợi ích cho cựu sinh viên và hoàn thiện pháp lý cho hoạt động của hội cựu sinh viên các trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết nhà trường với các đơn vị sử dụng lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO