Food stylist - Nghề làm đẹp cho món ăn

TẤN NGUYỄN| 22/10/2010 10:17

Vào một nhà hàng, chưa xem qua thực đơn nhưng khi nhìn thấy những bức hình chụp món ăn treo trên tường hoặc trong menu quá hấp dẫn, khiến người xem phải gọi cho bằng được món ăn đó. Đôi khi món ăn bưng ra không giống như hình chụp nhưng điều này xem như cách tiếp thị của nhà hàng đã thành công. Người tạo dựng phong cách cho món ăn kiểu đó gọi là “food stylist” - Nghề làm đẹp cho món ăn.

Kỹ thuật food stylist

Để ra đời một bức hình ẩm thực hoàn chỉnh, food stylist phải trải qua nhiều giai đoạn như: lên thực đơn, mua nguyên vật liệu, chế biến và trang trí, sắp đặt, sau đó mới đến khâu chụp hình. Thường thì khi khách hàng yêu cầu, food stylist tự lo tất cả nguyên vật liệu để nấu món ăn theo công thức khách hàng đưa ra, vì vậy food stylist thường có bộ phận bếp trang bị đầy đủ dụng cụ, có đầu bếp chuyên nghiệp nấu theo sự chỉ đạo của food stylist (có thể nấu ngay tại quán, nhà hàng của khách hàng hoặc tại nhà, công ty của food stylist).

“Nghề này đòi hỏi sự sáng tạo là số 1 và phải biết những nguyên tắc của nó mới cho ra sản phẩm như ý”, Nguyễn Đăng Phương - food stylist của Công ty Green Olive (công ty chuyên về food stylist) nói. Chẳng hạn, một lát hành cắt sau 5 phút thì màu sắc và đường nét sẽ không còn “bén” nữa, hoặc bắp chuối sau khi cắt ra, để trong giây lát sẽ bị đen, chả giò chiên khi vớt ra sẽ ngã màu đậm hơn lúc còn trong chảo khoảng 30%, như vậy lên hình sẽ xấu. Rất nhiều nhược điểm gây khó khăn nên food stylist phải có kinh nghiệm lẫn thủ thuật. Chẳng hạn, muốn cho chả giò lên hình đẹp phải chiên trắng hơn một chút, khi vớt ra chúng chuyển màu vàng là vừa. Hay ly rau má khi xay xong, nước sẽ bị xanh bầm, lên hình sẽ bị xỉn nên food stylist phải cho một ít thực phẩm để làm tươi, rồi phải đựng nước rau má trong cái ly có khúc xạ ánh sáng tốt, như vậy khi lên hình sẽ thấy được màu xanh rau má mát lạnh. Tương tự, nếu để đúng rượu vang thật thì chụp hình sẽ không đẹp, màu sẽ bị bầm. Để khắc phục điều này thì food stylist phải pha màu với nước giả rượu vang để cho màu rượu tươi hơn. Chính vì điều này mà hầu hết các món ăn khi đã qua tay food stylist thì chỉ dùng để chụp hình chứ ăn, uống không được!

Đối với những món ăn đòi hỏi khéo léo như cắt tỉa củ cũng mất rất nhiều thời gian. Hoặc chụp một món ăn để trên lá sen còn đọng những giọt nước phải dùng dụng cụ nhỏ từng giọt nước và phải để cho lá sen thật cân bằng mới tạo ra giọt nước tròn, đẹp. Có nhiều thứ đòi hỏi rất mất công như tạo những giọt sương li ti đậu trên bông hoa hồng thì phải dùng bình nhỏ từng giọt một, tạo các giọt sương long lanh như thật. Chưa hết, muốn cho món ăn lên hình bắt mắt, sống động, phải cắt lát ớt dài hay ngắn, miếng hành dày hay mỏng… Nói chung, những thứ phụ trợ trang trí xung quanh phải biết nhấn nhá để tạo ra nhiều gam màu đẹp sống động.

Chụp hình, công đoạn nối dài của food stylist

Sau khi food stylist thực hiện xong mới đến khâu chụp hình, công đoạn này cũng không kém phần vất vả. Thạch Thảo - food stylist của Công ty G.T.C cho biết, chụp món ăn cho đẹp, có hồn khó hơn nhiều so với chụp sản phẩm, chụp người mẫu thời trang. Chụp một món ăn hơn 45 phút, đôi khi chụp hơn 1.000 tấm nhưng chỉ chọn được… 1 tấm! Món bún nước khó chụp nhất, vì có nước nên khi “đánh” đèn, ánh sáng sẽ phản chiếu trở lại. Phải chụp làm sao khi lên hình thấy bún nằm trong nước nhưng không biến mất, những cọng bún trở thành những vân đẹp chứ không “chẹt bẹt”.

Nguyễn Đăng Phương bật mí thêm, khi chụp hình ẩm thực phải đặt ra 3 câu hỏi: thứ nhất, món ăn đó có ổn không (màu sắc tươi hay tái, nguyên liệu tốt hay hư…); thứ hai, món ăn có sạch không (chén dĩa có tươm tất, cảm giác phải sạch); thứ ba, tạo cảm giác thèm ăn hay không? Chưa kể nếu món ăn đó có 10 loại nguyên liệu chẳng hạn, thì phải chụp làm sao cho thể hiện rõ hết 10 nguyên liệu ấy mới thành công. Nguyên tắc chụp món ăn đẹp là phải tôn trọng ảnh “zin”, còn nếu lạm dụng photoshop để chỉnh sửa thì hỏng… Có trường hợp nhiều nhà hàng sử dụng dụng cụ cũ nhìn bằng mắt sẽ không thấy, nhưng lúc ra hình sẽ thấy rất rõ các vết xước, vì khi “đánh” ánh sáng vết xước “ăn” rất rõ. Có thể dùng photoshop để sửa được các vết xước này nhưng độ bóng của inox, của men sành, sứ sẽ mất đi và mất đẹp.

Còn Vũ Thanh - food stylist của ấn phẩm “Du lịch và ẩm thực”, cho rằng, trong nhiếp ảnh, khó nhất là vùng ánh sáng. Kỹ thuật chụp ra món ăn đẹp đôi khi dùng kỹ thuật ánh sáng ngược phải mạnh hơn ánh sáng thuận. Vì khi ngược sáng sẽ cho ra những đường nét rõ ràng và ra được những màu sắc bóng bẩy của nguyên vật liệu trong món ăn. Nếu để chế độ ánh sáng chan hòa thì chụp dễ, nhưng khi ra hình sẽ đều đều, không có điểm nhấn nổi bật. Thứ nữa, phải biết đặt góc máy. Chẳng hạn, cũng món ăn đó nhưng đặt góc máy 450 sẽ cho ra bức ảnh khác so với góc máy đặt ở góc 900. Về màu sắc, food stylist phải biết “gu” của từng quốc gia hay châu lục. Chẳng hạn món Âu người ta thích thể hiện trên nền trắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Food stylist - Nghề làm đẹp cho món ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO