Festival Huế 2010 - Điểm hẹn các di sản văn hóa thế giới

THANH HÀ| 04/06/2010 14:21

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 là hoạt động trong chương trình quốc gia hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 50 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn, sẽ khai mạc vào ngày 5/6/2010 và kết thúc vào ngày 13/6/2010. <_o3a_p>

Tiếp tục khai thác không gian văn hóa truyền thống

Đó là chủ trương của ban tổ chức Festival Huế 2010. Việc tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây, nhưng sẽ mở rộng ra các vùng lân cận, các khu thị trấn thị tứ, các khu đô thị mới của thành phố Huế và khai thác thêm không gian của các công trình văn hóa, thể thao mới được hình thành và đưa vào sử dụng.

Từ các kỳ Festival Huế trước, Đại Nội đã được chọn làm hạt nhân với khoảng 5 sân khấu ngoài trời và một số các địa điểm trong nhà. Khu vực này quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; mở rộng không gian diễn xướng chính thức ở các khu vực: hồ Tịnh Tâm, cung An Định, quảng trường Ngọ Môn, khu vực bờ nam sông Hương, các khu vực ngoại thành.

Một số vị trí phù hợp ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền... sẽ được bố trí một số chương trình nghệ thuật của các đoàn trong và ngoài nước biểu diễn. Hình thành các địa điểm vệ tinh của Festival Huế 2010 bao gồm: công viên Nguyễn Văn Trỗi, công viên Thương Bạc, công viên 3-2, đường Nguyễn Đình Chiểu, khu du lịch Thuận An, Lăng Cô, cầu ngói Thanh Toàn, làng cổ Phước Tích, khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung, khu văn hóa Huyền Trân...

Tiếp nối sự thành công của các kỳ Festival trước, năm 2010, nhiều chương trình lễ hội quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra liên tục trong 9 ngày đêm: chương trình lễ hội khai mạc, lễ bế mạc, lễ hội áo dài, chương trình “Đêm phương Đông”, chương trình Vẻ đẹp Việt II với tên gọi “Đồng vọng sông Ngân”. Các lễ hội cung đình độc đáo của cố đô Huế đã được tái hiện thành công nay sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn, chất lượng hơn cũng như thay đổi hình thức thể hiện nhằm tạo sự hấp dẫn cho công chúng. Cụ thể, lễ Tế giao sẽ tiếp tục duy trì trên cơ sở nâng cao tính nghệ thuật và sự trang nghiêm; đêm Hoàng Cung sẽ chỉnh lý nội dung, hình thức hấp dẫn hơn, bổ sung một số hoạt động thiết chế của triều đình, gắn không gian bên ngoài với không gian bên trong Đại Nội nhằm thu hút quần chúng tham gia; huyền thoại Sông Hương sẽ duy trì theo hướng cô đọng và nâng cao chất lượng khai thác chất trữ tình và vẻ đẹp của dòng sông. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ, sẽ có các lễ hội mới: sân khấu hóa “Hành trình mở cõi” và tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thủy binh thời Nguyễn”.

Bên các chương trình chính, hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, có chủ đề, chủ điểm tập trung theo định hướng của ban tổ chức Festival Huế 2010, nhằm tạo không khí sôi động, làm vệ tinh cho các hoạt động của Festival Huế 2010: chương trình Festival dành cho thiếu nhi “Những khối vuông mùa hạ”, Festival Thơ Huế... Các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật có tính cộng đồng. Các cuộc triển lãm: triển lãm mỹ thuật các tác giả nữ, triển lãm mỹ thuật thời Lý của Viện nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh của Hội VHNT Huế, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa: “Từ cố đô đến cố đô”, triển lãm tranh sơn mài “Tự sự cố đô”, trưng bày Sắc phong và sách cổ. Các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc mỹ thuật đường phố với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước diễn ra cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt quảng diễn mỹ thuật “Từ cố đô Thăng Long đến cố đô Huế” với bức tranh trên lòng cầu Trường Tiền của hàng trăm họa sĩ và SV mỹ thuật Huế, và chương trình nghệ thuật sắp đặt “Vì một hành tinh xanh” với sự tham gia của các nghệ sĩ ba miền...

Các cuộc hội thảo khoa học, Festival “Khoa học với đời sống cộng đồng” do Trường đại học y dược Huế phối hợp với Đại sứ quán Italia và Trường đại học Sassari tổ chức lần đầu tiên như một festival khoa học trong lòng Festival Huế. Các hoạt động thể dục thể thao, giải quần vợt đồng đội toàn quốc, lễ hội diều, hội vật võ dân tộc, biểu diễn cờ người, đua trải, chương trình “Đám cưới truyền thống Huế” gắn với các hoạt động ẩm thực phục vụ du khách, ngày hội ẩm thực “món chay xứ Huế” sẽ là những hoạt động thu hút khách du lịch và công chúng tham dựtrong 9 ngày diễn ra Festival.

Năm châu hội tụ - điểm hẹn văn hóa

Tham gia Festival Huế 2010 có các đoàn nghệ thuật trong nước, gồm các đơn vị nghệ thuật trung ương, các nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Bông Sen, Đoàn ca múa An Giang, Đăk Lăk, Phú Yên, Đà Nẵng, Nhà hát ca kịch Huế, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế, các nhóm nghệ thuật từ ba địa phương kết nghĩa: Huế - Hà Nội - TP.HCM, nhóm các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể thế giới, các thành phố có vốn nghệ thuật truyền thống độc đáo, và các lực lượng nghệ thuật chuyên và không chuyên của Thừa Thiên Huế.

Điểm mới là Festival Huế 2010 sẽ có mặt đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục, là nơi gặp gỡ đầy ấn tượng của các thành phố vốn là cố đô, các thành phố có di sản thế giới. Đã có 30 quốc gia đăng ký tham gia với tổng số 53 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật, bao gồm: Pháp (đối tác chính), Argentina, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Cu Ba, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italia, Lào, Mông Cổ, Mêhicô, Na Uy, Nga, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, CH Trung Phi, Trung Quốc, Ukraina, Scotland, Senegal. Theo BTC, sẽ có 47 chương trình từ 23 quốc gia với nhiều thể loại phong phú và hấp dẫn gồm: ca múa nhạc, xiếc, sân khấu, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, rối, điện ảnh, triển lãm...

Từ cuối năm 1998, đầu năm 1999, chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Sau thành công của năm 2000, Festival Huế tiếp tục được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn, làm cơ sở để chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam.

Nhưng 2010 là Festival đầu tiên thực hiện Kết luận 48-KL/TW, ngày 25/5/2009 của Bộ chính trị (khóa X) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á”.

Qua các kỳ, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định, đã tạo được dấu ấn trong lòng người dân giữa rất nhiều chương trình lễ hội nở rộ khắp cả nước trong vài năm trở lại đây. Ngoài ra, nếu xét về khía cạnh là sản phẩm du lịch, trải qua 5 kỳ festival, cùng với sự gia tăng về số lượng đơn vị nghệ thuật nước ngoài tham gia thì lượng khách du lịch quốc tế đến với Festival Huế cũng tăng lên theo từng năm.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Festival Huế 2010 - Điểm hẹn các di sản văn hóa thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO