Festival Huế 2008 hoành tráng nhất từ trước đến nay

06/06/2008 16:10

Sau bốn lần tổ chức, Festival 2008 hứa hẹn mang đến cho du khách cũng như người dân Huế những đại tiệc lễ hội với sự tham gia của 21 đoàn nghệ thuật truyền thống và đương đại với nhiều loại hình nghệ thuật như ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, nghệ thuật sắp đặt... Theo ban tổ chức, Festival Huế 2008 có 476 nghệ sĩ, diễn viên quốc tế, 1.078 nghệ sĩ, diễn viên trong nước và 5.000 diễn viên quần chúng. Festival Huế đã chính thức bắt đầu vào lúc 20 giờ ngày 3/6/2008 với lễ khai mạc gồm nhiều tiết mục kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống như nhã nhạc cung đình Huế, đàn đá kèn đá Tuy An... và các tiết mục đến từ các nước trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ, đúng như tinh thần của Festival Huế lần thứ V “Di sản văn hóa hội nhập và phát triển”.

Đêm Hoàng Cungnăm nay (ngày 3, 6 và 9/6) được thực hiện với sự chỉ đạo nghệ thuật của đạo diễn Lê Quý Dương, tái hiện vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm với các sinh hoạt như: nhã nhạc, múa cung đình, tuồng Huế, ca Huế; nghệ thuật ẩm thực đa dạng trong các chương trình dạ tiệc cung đình, thưởng ngoạn các thú tiêu khiển: uống trà Huế, thả thơ, đố thơ trên lồng đèn, đổ xăm hường và đầu hồ.

Một trong các lễ hội được công chúng mong đợi là Huyền thoại sông Hương, theo hành trình bắt đầu từ ngã ba Bằng Lãng đến Nghinh Lương Đình. Đây là chương trình được xây dựng để khai thác như một tour du lịch, phục vụ lâu dài, tạo nên một sản phẩm văn hóa đặc trưng của các sinh hoạt văn hóa về đêm của Huế. Dựa trên họa đồ về cảnh thuyền vua du ngoạn trên sông của triều Nguyễn, một chiếc thuyền cung đình (đã được phục hồi với chiều dài 18 m, chiều rộng 7 m, chở khoảng 50 - 60 du khách/chuyến) và 20 chiếc thuyền rồng tạo thành đội hình du thuyền. Trên thuyền cung đình có bố trí một màn hình để chiếu các hình ảnh thuyết minh thêm về các huyền thoại.

Từ bến thuyền lăng Minh Mạng, sau phần “ngũ lân nghênh phúc”, du khách bắt đầu hành trình trên các con thuyền, thưởng thức ẩm thực, lắng nghe sông Hương kể về những huyền thoại của mình qua 18 điểm nhấn của hành trình. Thuyền sẽ đến địa điểm đầu tiên là Cầu Tuần. Tại đây, một dàn trống lớn được sắp đặt tại mố cầu nghênh đón du khách. Tiếp theo, tại một đoạn trên quốc lộ, đội quan binh tuần thú sẽ gợi đến cho du khách về một không khí xa xưa; đình làng Hải Cát xa xa với hương án và các bô lão chào đón trong màu sắc của cờ xí và âm thanh của nhạc lễ. Gần khu vực lăng Cao Hoàng, hoạt cảnh binh lính tuần trực lăng chúa Nguyễn trang nghiêm. Tại điện Hòn Chén, các thuyền dừng lại, hoạt cảnh rước vua lên điện chuẩn bị cho một lễ dâng hương, làn điệu chầu văn trỗi lên rộn rã, các cung nữ dâng thẻ xăm mang lời chúc tụng lên các thuyền. Tại một đoạn sông trước chân đồi Vọng Cảnh, tác phẩm sắp đặt Lễ vật dòng sôngcủa họa sĩ Đinh Khắc Thịnh sẽ tương tác với khói màu huyền ảo; gần qua khỏi khu vực đồi Vọng Cảnh, cảnh hai chuyến đò dọc và các ngư dân hò đối đáp. Trước mặt Làng văn hóa về nguồnlà hoạt cảnh “Tung chài”. Tại chân cầu Xước Dũ, những sinh hoạt của làng chài bập bùng trong ánh đèn, hoa đăng được thả từ các con đò gửi niềm mơ ước về cuộc sống. Văn Miếu Môn, Đại Thành Môn nổi bật lên từ ánh sáng nghệ thuật, hoạt cảnh các tân tiến sĩ dâng hương, từ trong Văn Miếu 32 chiếc đèn trời ghi tên của một số tiến sĩ được thả lên. Tại chùa Thiên Mụ, các thuyền dừng lại, khu bờ kè chiếu các bài thơ chữ Hán của các vua, các chúa viết về chùa Thiên Mụ; bậc cấp bờ kè thắp hoa đăng theo hình chữ Hán Thiên Mụ tự, hoạt cảnh bà tiên báo mộng, chúa Nguyễn Hoàng và tùy tùng chọn cuộc đất để xây chùa, khoảng 40 nhà sư thắp sáng các hoa đăng làm rực lên ba chữ “Thiên Mụ tự” trong âm thanh của tiếng mõ, du khách thả điều nguyện cầu của mình gửi theo những đốm hoa đăng. Tại đình Kim Long, trong các sắc màu của cờ xí, các bô lão và thiếu nhi chào đón đoàn du thuyền với sự thể hiện qua nghệ thuật sắp đặt “Cửu long” với hai chữ Hán “Kim Long” ghi dấu về một thời thủ phủ Kim Long (1636 - 1678) và thời chúa Nguyễn, đồng thời hồi tưởng về 450 năm Chúa Nguyễn Hoàng làm cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi (1558 - 2008). Tại cầu Bạch Hổ, 9 đèn Prowash vụt sáng tượng trưng cho 9 chúa Nguyễn, một lớp pháo hoa chảy từ thành cầu đón du khách vào khu vực chương trình cố định. Bờ cây từ cầu Bạch Hổ đến Nghinh Lương đình được chiếu sáng nghệ thuật, huyền ảo, lung linh; 13 cây skylight vụt sáng tượng trưng cho 13 đời vua Nguyễn; các thuyền lần lượt neo đỗ vào những khu vực quy định tại bến Nghinh Lương đình; pháo hoa tầm thấp vút lên tại các thuyền cùng với pháo hoa quốc phòng từ thuyền cung đình kết thúc để mở màn cho chương trình cố định. Từ trên các thuyền, du khách bắt đầu thưởng thức các tiết mục nghệ thuật.

Sân khấu Nghinh Lương đình được dàn dựng thành ba tầng (thượng, trung, hạ); có bốn cụm rồng, hai cụm mây làm màn hình chiếu các hình ảnh phông nền phụ họa thêm cho các tiết mục. Tại đây, Huyền thoại sông Hương sẽ tiếp tục được kể qua các loại hình như hoạt cảnh, tổ khúc, vũ khúc, ngâm thơ... Có tất cả là 11 tiết mục chính được kết nối bằng lời thoại do các tiên nữ “kể mới” theo lối dẫn chuyện.

Lễ tế Xã Tắc- một trong 5 lễ hội chính sẽ được phục dựng và đưa vào phục vụ trong dịp Festival Huế 2008 với sự tham gia của 400 người cùng đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn. Lễ tế sẽ thực hiện trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức truyền thống, chứ không diễn như năm 2006. Do vậy, ban tổ chức đã yêu cầu các phóng viên tham gia tác nghiệp chương trình này phải mặc áo dài, cả nam lẫn nữ, điều này cũng gây không ít khó khăn cho các phóng viên.

Ngự đạo đi tế Xã Tắc sẽ được bắt đầu lúc 6 giờ ngày 10/6/2008 tại khu vực Ngọ Môn; sau khi nghe ba hồi chuông trống, Ngự đạo sẽ di chuyển đi dọc đường 23 tháng 8 vào đường Lê Huân rồi rẽ lên đường Trần Nguyên Hãn đến đàn Xã Tắc. Đúng 7 giờ sẽ bắt đầu lễ tế với các nghi tiết: quán tẩy, thượng hương, nghinh thần, điện ngọc bạch, truyền chúc, hiến tước, tứ phúc tộ, triệt soạn, tống thần và tư chúc bạch soạn.

Được biết việc trùng tu di tích đàn Xã Tắc và hoàn thiện công tác tổ chức lễ tế sẽ được tiến hành theo một lộ trình kéo dài nhiều năm. Trong tương lai, khi việc trùng tu đàn Xã Tắc hoàn thành thì sẽ khôi phục lại lễ tế quy mô như ngày xưa. Đồng thời, lễ tế Xã Tắc sẽ được xây dựng hồ sơ khoa học và tiến tới đăng ký với UNESCO lập hồ sơ quốc gia đề cử vào “Danh sách các di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Lễ tế <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam Giao - lễ tế trời, đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Tại Festival 2008, Lễ tế Nam Giao gồm hai phần: Lễ Xuất cung: được tổ chức vào sáng ngày 4/6/2008 (từ 5 giờ 30 đến 7 giờ 30) tại điện Thái Hòa ra cửa Ngọ Môn đến bến Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình. Lễ tế Nam Giao: được tổ chức vào tối ngày 4/6/2008 (từ 19 giờ đến 22 giờ) từ Trai Cung đến đàn tế. Theo dự kiến, nghi lễ tế giao sẽ được tổ chức một cách trang nghiêm, hoành tráng và chân xác như từng diễn ra dưới thời Nguyễn. Lễ Nam Giao lần này được nghiên cứu và dàn dựng rất công phu với toàn bộ phần nghi lễ và nhạc múa. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã phục hồi thành công 128 bộ trang phục vũ công dành cho múa Bát dật Văn và Bát dật Võ để phục vụ lễ tế. Việc đóng các hương án, long liễn, ngự liễn, may cờ quạt, làm đèn lồng... sử dụng trong lễ tế cũng được tiến hành theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đặc biệt, trong Lễ tế Nam Giao lần này sẽ có sự tham gia của 8 làng xã có truyền thống văn hóa tiêu biểu tại Thừa Thiên Huế, đại diện cho nhân dân cả nước. Tám làng trên sẽ trực tiếp thực hiện các nghi lễ tế cúng tại 8 án thờ các vị Thần linh đặt tại 4 góc của tầng Phương Đàn (tầng 2) theo hướng dẫn của ban tổ chức.

Đàn Nam Giao hiện đã được trùng tu phục hồi và đã được tổ chức UNESCO ghi tên vào Danh mục di sản thế giới từ năm 1993.

Ngoài 4 chương trình lễ hội trên, Festival 2008 còn có lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trungsẽ diễn ra tại núi Bân vào ngày 6/6 nhân 220 năm anh hùng Nguyễn Huệ lên ngôi. Để chuẩn bị cho lễ hội này, từ năm 2007 đến nay, dự án tôn tạo khu vực núi Bân rộng 23 ha đã được tiến hành khẩn trương. Lần này, lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung sẽ được tái hiện một cách hoành tráng tại di tích lịch sử núi Bân với sự tham gia của hàng trăm diễn viên và võ sinh Huế, lực lượng nhạc võ Tây Sơn - Bình Định, do đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng (Hãng phim truyện Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh) chủ trì. Tại đây cũng diễn ra hội thảo “Thuận Hóa - Phú Xuân và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung”.

Được tổ chức ngay sau đó, lễ hội tiến sĩ võ sẽ mô phỏng một phần khoa thi tiến sĩ võ dưới triều vua Tự Đức qua một chương trình lễ hội với các tiết mục rước chiếu chỉ, tuyên đọc các môn võ tiến sĩ đã vượt qua trong hội thi. Vì lễ hội tổ chức như một vòng chung khảo, nên ban tổ chức sẽ để cho mỗi võ sĩ (được đóng vai) biểu diễn một môn sở trường. Hội thi là cuộc hội ngộ và trình diễn của những võ sư hàng đầu Việt Nam đến từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam “trong vai” những tiến sĩ võ đã được xướng danh trong lịch sử, qua đó giới thiệu cho công chúng, du khách những đặc sắc của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Trước khi các tiến sĩ tham dự phần chung khảo thì khoảng 130 cấm vệ quân sẽ biểu diễn các bài côn, thương... dưới sự điều khiển của một vị tiến sĩ, nhằm thể hiện khả năng huấn luyện quân binh. Lễ hội sẽ khép lại với hình ảnh đám rước tiến sĩ. Theo kịch bản, Lễ hội thi tiến sĩ võ trong Festival lần này sẽ được tổ chức tại khu vực quảng trường Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình. v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Festival Huế 2008 hoành tráng nhất từ trước đến nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO