F0 điều trị tại nhà cần theo dõi diễn biến sức khỏe như thế nào?

H. NHƯ| 29/12/2021 00:47

KHPTO - BS. Nguyễn Thành Quân, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, hướng dẫn: Khi bạn là F0 tự cách ly tại nhà, thì kể cả không có triệu chứng, cũng cần được theo dõi chặt chẽ các diễn biến sức khỏe.

Cụ thể, các F0 và người nhà cần chuẩn bị sổ, bút để ghi chép theo dõi các chỉ số hàng ngày như: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa oxy trong máu (bằng máy SpO2 kẹp đầu ngón tay), huyết áp.

Người bệnh cần được theo dõi các triệu chứng như: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh, gai rét, viêm kết mạc, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng từ 4 lần/ngày, ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ hoặc không tỉnh táo…

Các triệu chứng khác như: đau họng, nhức đầu chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau nhức cơ thể…

Người bệnh ghi chép lại thời điểm triệu chứng xuất hiện, diễn biến các triệu chứng theo các ngày xem nặng lên hay đỡ hơn ngày hôm trước.

Bác sĩ cũng chú ý, nếu người bệnh có các triệu chứng như dưới đây phải báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe cho gia đình để được xử trí kịp thời:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở khò khèkhi hít vào.

- Nhịp thở tăng: với người lớn khi đếm nhịp thở trên 21 lần/phút, trẻ nhỏ từ 1 đến dưới 5 tuổi nhịp thở trên 40 lần/phút, trẻ từ 5 - 12 tuổi có nhịp thở trên 30 lần/

phút. Lưu ý, khi đếm nhịp thở phải đếm đủ trong vòng 1 phút khi trẻ nằm yên, không khóc, mỗi chu kỳnhịp thở được tính là 1 lần hít vào và 1 lần thở ra.

- Khi chỉ số SpO2 của bệnh nhân dưới 95%, nếu có máy đo và đo chính xác; khi phát hiện bất thường cần đo lại lần 2 sau lần 1 từ 30 giây đến 1 phút. Khi đo yêu cầu giữ nguyên vị trí đo, tẩy sơn móng tay (nếu có) trước khi đo.

- Mạch nhanh: mạch trên 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút.

- Huyết áp: huyết áp tối đa dưới 90 mm thủy ngân hoặc huyết áp tối thiểu dưới 60 mm thủy ngân nếu có thể đo.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức như: bệnh nhân thấy lú lẫn, ngủ lơ mơ, rất mệt hoặc mệt lả không thể ra khỏi giường, trẻ em có thể có quấy khóc, li bì, co giật…

- Xuất hiện hiện tượng bị tím ở môi, móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt nhạt, lạnh các đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống; ở trẻ em có thể bú kém hoặc giảm, ăn kém, có thể nôn.

- Trẻ có biểu hiện sốt cao, mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù, nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết.

- Bất kỳtình trạng nào mà người bệnh cảm thấy lo lắng cũng cần báo cho nhân viên y tế.

Cách xử trí một số tình huống:

- Với người lớn khi sốt trên 38,50C hoặc đau đầu, đau người nhiều có thể uống 1 viên hạ sốt chứa Paracetamol hàm lượng 500 mg và có thể uống lại từ 4 - 6 giờ, ngày không quá 4 viên; uống kèm theo Oresol thay nước để bù nước và điện giải.

- Với trẻ em khi sốt trên 38,50C cần uống thuốc hạ sốt chứa Paracetamol hàm lượng 10 - 15 mg/kg cân nặng/ lần, có thể lặp lại 4 - 6 giờ, ngày không quá 4 lần.

Nếu sau khi dùng thuốc 2 lần bệnh nhân không thấy đỡ, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý để kịp thời xử trí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
F0 điều trị tại nhà cần theo dõi diễn biến sức khỏe như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO