EVFTA mở ra thị trường mới cho ngành thép Việt Nam

T.T| 15/07/2019 20:41

KHPTO - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết sẽ là chìa khóa để mặt hàng tôn thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực châu Âu.

Theo báo cáo từ Hiệp hội thép Việt Nam, tính đến 30/4, Việt Nam xuất khẩu gần 2,8 triệu tấn thép, tăng 13,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm có ưu thế của Việt Nam lại giảm lượng xuất khẩu như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu giảm 15,5%; ống thép giảm 16,6%; thép cán nguội giảm 6,1%... Trong số các thị trường xuất khẩu tôn thép, khu vực ASEAN vẫn chiếm tới 61%, Hoa Kỳ 8,1% và khu vực châu Âu chỉ chiếm 7,1%.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thép cho rằng Việt Nam và EU có các mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Trong khi đó, thép Việt vẫn chưa đẩy mạnh xuất khẩu sang EU mà vẫn chỉ tập trung ở một số thị trường truyền thống như ASEAN, Hoa Kỳ... Vì vậy, cơ hội của ngành thép Việt để xuất khẩu sang thị trường EU là rất lớn. Thêm vào đó, trong bối cảnh cạnh tranh, xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng thì việc tìm kiếm, đa dạng thị trường xuất khẩu là hết sức cần thiết. Với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có và EVFTA được ký kết, đây là những thị trường mà Việt Nam hội nhập, có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan để xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập, ngay tại thị trường nội địa và để giữ được thị phần, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của chính mình, có thể thông qua nâng cao chất lượng, giảm giá thành, hay đảm bảo thời gian, dịch vụ cung ứng sản phẩm. Vấn đề này, doanh nghiệp cũng đã ý thức được và có các biện pháp để nâng cao chất lượng.

Theo nhận định từ Bộ công thương, EVFTA với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, những thỏa thuận này sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm nay và những năm tiếp theo. Ngoài ra, việc thực thi EVFTA cũng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ 2 thị trường lớn này. Do vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu.

Các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi FTA qua việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết. Từ đó, vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả. Mặt khác, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và kỹ thuật đã cam kết. Bộ công thương cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu.

Doanh nghiệp ngành thép Việt Nam hiện đa phần có quy mô còn nhỏ, nên năng lực sản xuất, công nghệ, năng lực tài chính còn kém, điều này vô hình chung làm hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép trong nước. Do vậy, để có thể đảm bảo thép Việt tiến được vào thị trường châu Âu, tránh được các vụ kiện phòng vệ, ông Nguyễn Văn Sưa cũng cho rằng, ngành thép trong nước phải có được nhiều doanh nghiệp lớn, có chiến lược và chủ động hơn trong việc tìm hiểu kỹ những quy định, lộ trình cắt giảm thuế quan, luật lệ của các nước và cả những biện pháp phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVFTA mở ra thị trường mới cho ngành thép Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO