Đừng mua vì muốn, chỉ mua khi thật cần!

Nguyễn Ngọc| 18/01/2018 16:00

KHPT-Chúng ta tiêu thụ đồ ăn, đồ uống, đồ điện tử, thời trang, đồ dùng trong nhà… Thay mới một cái gì đó hay ăn một thứ gì đó ngon miệng khiến chúng ta cảm thấy mình có gì đó mơi mới. Và rồi tất cả lại trở nên nhàm chán nhanh chóng, cái hố lại tiếp tục sâu thêm, người ta tiếp tục bị hút hồn bởi những thứ mới mẻ bày bán trong các gian hàng. Bức tranh thực tế cho thời đại tiêu thụ ngày nay diễn ra trên toàn thế giới.

Thời đại “mua không cần nghĩ”

Thực tế ở Mỹ khẳng định điều ấy: con người ở một đất nước tưởng như phát triển gần nhất thế giới chủ yếu tìm kiếm hạnh phúc qua tiêu thụ. Tiêu thụ được khuyến khích đỉnh điểm qua trả góp - hãy mua, mua đi, mua nữa, và bạn sẽ hạnh phúc. Nhiều người mắc vào vòng “tiêu trước - trả sau” để rồi có được một khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi và sau đó thắt lưng buộc bụng để trả nợ. Tiêu thụ thế này không chỉ làm khổ chúng ta trước tiên, mà còn tạo ra rất nhiều rác thải.

Các thương hiệu muốn bán được nhiều hơn, nhanh hơn, biến người mua của họ thành những cái máy "mua không cần nghĩ" thì chỉ có một cách: giá thành phải giảm xuống. Muốn giảm giá sản phẩm và đáp ứng một công suất khổng lồ, các hãng phải giảm chi phí sản xuất, bao gồm cả ở nguyên liệu và nhân công. Điều đó kéo theo nguồn nguyên liệu không an toàn cho sức khỏe nhưng rẻ được lựa chọn, ví dụ bông biến đổi gen, phun thuốc trừ sâu nấm trên diện rộng, tàn phá môi trường tự nhiên phục vụ cho ngành thời trang; chất bảo quản thực phẩm, hóa chất gây ung thư được sử dụng tràn lan từ ngành thực phẩm đến hóa mỹ phẩm…

Chúng ta, ai cũng thích đồ rẻ, dù đó là trang phục, thực phẩm hay đồ nội thất... nhất là khi chúng rẻ và có vẻ là không phải đồ "ôi". Tuy vậy, chúng ta không mua một món hàng chỉ bằng tiền, mà còn bằng chính nước, không khí, đất đai, máu của người khác và tương lai của chúng ta. Lượng rác thải khổng lồ bị đốt tạo thành khí độc, hoặc chôn làm ô nhiễm đất và nước, ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng đến con vật cả trên cạn lẫn dưới biển. Hàng năm, có một lượng rác khổng lồ theo đường sông suối đổ ra biển. Rác nhựa đã và đang tiếp tục gây hại động vật biển. Động vật biển lại theo chuỗi thức ăn đi lên, và nhựa ở trong chúng lại tìm đến với con người qua đường ăn uống. Mọi thứ đều liên quan tới nhau. Những gì trái tự nhiên của lối sống hiện đại sẽ tìm lại đến con người. Chúng ta đều có trách nhiệm cả. Chúng ta sẽ chờ ai để đem lại thay đổi đây?

Làm người tiêu dùng thông minh không khó

Cựu tổng thống Uruguay Jose Mujica, trong bộ phim tài liệu Human của nhà làm phim người Pháp Yann Arthus-Bertrand đã chia sẻ: “Tôi đang không ủng hộ đói nghèo. Tôi đang ủng hộ sự tiết giảm. Nhưng chúng ta đã tạo ra một xã hội tiêu dùng lúc nào cũng khao khát sự tăng trưởng. Khi không có tăng trưởng, (chúng ta coi) đó là bi kịch. Chúng ta tạo ra một núi những nhu cầu không cần thiết. Chúng ta cứ phải tiếp tục mua thêm và vứt đi những gì đã mua... Đó là cách chúng ta đang hoang phí chính cuộc sống của mình. Khi tôi mua một cái gì, hoặc khi bạn mua một cái gì, chúng ta đang không trả cho thứ đó bằng tiền. Chúng ta đang trả bằng khoảng thời gian sống chúng ta phải bỏ ra để làm việc để có được số tiền đó. Sự khác biệt ở đây là bạn không thể mua được cuộc sống. Cuộc sống cứ trôi qua. Và thật là tồi tệ khi bạn lãng phí cuộc sống của mình, đánh mất đi tự do của mình”.

Có một ranh giới rõ ràng giữa những gì ta cần và những gì ta muốn. Ví dụ như một chiếc điện thoại là cần, nhưng một chiếc điện thoại đắt tiền và mới hơn (trong khi chiếc cũ vẫn dùng tốt và không hề hỏng hóc) là muốn. Quần áo là cần, nhưng quần áo đắt tiền, hàng hiệu, mốt và mới (trong khi quần áo cũ vẫn dùng tốt, đã đủ và lành lặn) là muốn. Thức ăn là cần, nhưng ăn vô tội vạ, đường, các chất hóa học và thức ăn qua chế biến bất chấp sức khỏe là muốn - trong khi đã no, đã đủ, không còn cần phải ăn nữa. Xe cộ là cần, nhưng xe phải xịn, phải gây được ấn tượng với người khác, là muốn. Nhà là cần, nhưng nhà phải to vượt nhu cầu sử dụng, có nhiều đồ đạc đắt tiền, chất đầy đồ ngốn hết không gian sống, là muốn. Cái “muốn” là lòng tham, không gây ra khổ, mà chính cái khổ đã dẫn tới cái muốn. Chính cảm giác thiếu thốn ở bên trong về tinh thần đã dẫn đến sự nghiện ngập vật chất với mong đợi rằng qua đó chúng ta sẽ cảm thấy đầy đủ.

Là phụ nữ, để cắt giảm mong muốn, tôi đặt ra hai câu hỏi cho bản thân trước khi mua bất cứ thứ đồ gì: Có thực sự cần thứ này không? (Nghĩa là: nếu không mua thì có ảnh hưởng gì nghiêm trọng không?); Mục đích mua là gì? Câu trả lời cho phần lớn những ý định mua sắm cho câu 1 là không. Câu trả lời cho phần lớn những ý định mua sắm cho câu 2 là mua để vui hoặc để gây ấn tượng, để từ đó ta có thể cảm thấy giá trị của mình tăng lên. Nhờ đó, tôi đã thoát khỏi tình trạng “nghiện mua sắm” và thích ăn uống để thỏa mãn vị giác của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng mua vì muốn, chỉ mua khi thật cần!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO