Đừng để học sinh bị lép ngực, vẹo cột sống, gù lưng vì... bàn ghế!

21/09/2007 15:03

Nhiều trường học cho đến nay vẫn sử dụng loại bàn ghế có kích thước cố định, được thiết kế không phù hợp với tiêu chuẩn, không căn cứ vào dấu hiệu nhân trắc học mà chỉ theo kinh nghiệm hoặc theo một mẫu nào đó sưu tầm được. Ngay cả những trường mới xây dựng, do kinh phí dành cho việc mua bàn ghế quá thấp, cũng chỉ mua được loại bàn ghế có kích thước cố định, có hiệu trưởng còn yêu cầu đóng dính bàn và ghế với nhau. Hậu quả là nhiều học sinh có nguy cơ phát triển không bình thường.

Khi bàn ghế không phù hợp với thể trạng học sinh

Theo TS. Lê Anh Dũng, Công ty thiết bị trường học Việt Nam, khoa học đã chứng minh: bàn ghế ngồi học không tương hợp với kích thước của cơ thể sẽ dẫn đến các bệnh: ngực lép, vẹo cột sống, gù lưng, cận thị... Tư thế của con người có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động các cơ quan trong cơ thể. Trong hoạt động, tư thế ngồi chiếm phần lớn thời gian, ở tư thế này cơ thể phải có tính ổn định cao, cơ bắp ít phải cố gắng. Con người sẽ chóng mệt mỏi nếu bàn và ghế ngồi không thuận tiện, không được thiết kế đúng. Ví dụ, nếu chiều cao ghế không phù hợp với kích thước cơ thể thì sẽ tốn năng lượng hơn tới 22%, còn khi ngồi ở tư thế bị gập lại quá mức, con số này lên đến 46%. Khi dùng bàn ghế không đúng, con người có rất nhiều cử động vô thức (không cưỡng lại được) để tìm kiếm vị trí thuận lợi cho cơ thể. Theo một nghiên cứu khoa học, chỉ trong thời gian 45 phút, những học sinh ngồi bàn ghế không phù hợp có đến 300 - 2.500 cử động nhỏ. Như vậy, bàn ghế có kích thước không đúng, thiếu tiện nghi trước mắt làm cho học sinh chóng mỏi mệt, ảnh hưởng tới tập trung, trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh học đường nêu trên.

Theo một khảo sát của Sở y tế TP.HCM, trong 215 trường, từ tiểu học đến THPT, có đến 96,3% trường có bàn ghế không đúng quy cách. Có những trường điểm, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, nhưng chỉ riêng có bàn ghế là... không đạt chuẩn! Thậm chí, có trường mới xây dựng, đạt chuẩn quốc gia, nhưng bàn và ghế lại không theo chuẩn nào.

Bàn ghế sai quy cách phổ biến nhất hiện nay là về độ cao. Nếu bàn quá cao so với ghế, thì khoảng cách từ sách vở đến mắt quá gần, học sinh dễ bị cận thị, cũng như phải thường xuyên thay đổi tư thế cho phù hợp, gây mệt mỏi. Nếu bàn quá thấp so với ghế, học sinh phải cúi người thường xuyên, dẫn đến vẹo cột sống, đồng thời, lúc này khoảng cách từ sách đến với mắt quá xa. Việc bàn và ghế đóng dính liền nhau (sai quy định về vệ sinh học đường) làm cho học sinh không thay đổi được khoảng cách khi viết, không ngồi thẳng lưng được khi viết.

Đừng để con em chúng ta phát triển không bình thường

Thật ra, các cơ quan quản lý đã có quy định từ lâu về chuẩn bàn ghế trong trường học, chẳng hạn như quyết định 1221/2000/QĐ-BYT của Bộ y tế đã phân ra 6 nhóm độ cao cho học sinh từ 6 - 17 tuổi, tương ứng quy định kích thước cơ bản của 6 loại bàn ghế, ví dụ loại 1 cho học sinh có chiều cao từ 1 - 1,09 m, loại 2 cho học sinh có chiều cao từ 1,1 - 1,19 m... Tuy nhiên, dường như các trường học chưa quan tâm lắm đến quy định này nên rất ít trường có lớp học chia bàn ghế theo nhóm.

Theo TS. Lê Anh Dũng, chiều cao ngồi được tính từ mép trước của ghế xuống nền, phụ thuộc vào chiều dài cẳng chân (kể cả bàn chân), sao cho khi ngồi, mặt ghế là mặt đỡ cho mông và đùi, nền là mặt đỡ cho bàn chân. Chiều cao ngồi tốt là chiều cao sao cho khi ngồi tất cả lòng bàn chân đều được đặt trên nền, không chỉ khi cẳng chân vuông góc mà cả khi nghiêng một chút. Chiều cao ngồi được ước tính bằng chiều dài cẳng chân cộng thêm 2 - 3 cm (chiều cao của giày, dép). Để tránh khi ngồi bị trượt về phía trước, đối với mặt ghế cứng, người ta thường làm lõm 12 - 15 mm, tấm lõm ở 2/3 chiều sâu ghế. Khi mặt ghế nằm ngang, áp lực tại vùng xương chậu sẽ lớn, vì vậy nên làm mặt ghế nghiêng về phía tựa lưng 3 - 50. Độ chênh cao là chiều cao giữa mép sau của bàn (về phía người ngồi) với mép trước của ghế ngồi. Nếu quá lớn hoặc quá nhỏ đều làm cho cơ thể có tư thế mất cân xứng, buộc người ngồi phải nghiêng đi, dẫn tới các bệnh lép ngực, vẹo cột sống, gù lưng, cận thị… Độ chênh cao cần phải đảm bảo cho người ngồi có thể để cẳng tay tự do tùy ý nâng, hạ bả vai. Trong thực tế, độ chênh cao lấy bằng hiệu số giữa chiều cao của khuỷu tay (khi hạ xuống) với chiều cao ngồi, cộng thêm 2 - 2,5 cm.

TS. Lê Anh Dũng cho biết thêm các điều kiện về bàn ghế: “Chiều cao mép sau phải cho phép cẳng tay đặt tự do trên mặt bàn mà không phải nâng, hạ vai. Khi viết và đọc, mặt bàn cần phải có độ nghiêng 12 - 150. Mắt của trẻ em phát triển hoàn thiện đến năm 12 tuổi, vì vậy nhất thiết mặt bàn phải làm nghiêng. Còn đối với học sinh lớn, điều đó không quan trọng, nhưng mặt bàn nghiêng vẫn tốt hơn nằm ngang. Ngăn để sách, để cặp và những thiết bị khác cần được bố trí không cản trở để cho tự do, thoải mái. Bậc để chân của bàn phải bố trí sao cho là mặt đỡ cho chân duỗi thẳng, với độ nghiêng 20 - 25%, bề rộng không nhỏ hơn 80 cm”. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để học sinh bị lép ngực, vẹo cột sống, gù lưng vì... bàn ghế!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO