Dùng bã mía phát điện tiết kiệm 10 tỷ đồng/năm

HOÀI AN| 24/10/2019 07:09

KHPTO - Mỗi vụ, Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) thu đầu vào nguyên liệu hơn 400.000 tấn mía, số lượng bã thải ra rất lớn. Việc sản xuất điện từ bã mía ứng dụng công nghệ hiện đại và hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Ước tính, công ty tiết kiệm được khoảng 10 tỷ đồng tiền điện mỗi năm.

“Công ty bắt đầu sử dụng hệ thống sản xuất nhiệt điện từ bã mía năm 1999 và thực hiện đầu tư đồng bộ ngay từ ban đầu, liên tục nâng cấp thiết bị và kỹ thuật hiện đại cho hệ thống nhiệt điện từ bã mía. Số tiền đầu tư khoảng hơn 1 triệu USD/MW (bao gồm chi phí cho lò hơi và tuabin). Cứ 1 tấn mía sẽ có từ 28 - 30% lượng bã mía. Mỗi vụ, số lượng mía nguyên liệu khoảng 400.000 tấn, lượng bã mía này sản xuất ra khoảng 5 MW điện. Với lượng điện năng từ bã mía, công ty có thể tiết kiệm tiền điện lên tới 10 tỷ đồng/năm”, anh Hồ Thanh Hòa, trưởng phòng kỹ thuật, Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ cho biết.

Việc sử dụng nhiệt điện bã mía tạo điều kiện thuận lợi giúp tiết kiệm nhiên liệu và chi phí cho công ty, đồng thời cũng là điều kiện tốt để công ty mua mía đầu vào của người dân với mức giá ổn định. Hiện mức giá mua nguyên liệu đầu vào của công ty với người dân là 700 đồng/kg.

Nhiệt điện từ bã mía không gây hiệu ứng nhà kính bởi sử dụng lò hơi công nghệ hiện đại, và không gây ảnh hưởng đến môi trường do không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bộ phận kỹ thuật của nhà máy cũng cho biết thêm, quy trình sản xuất điện từ bã mía không quá phức tạp, bã mía sau khi ép sẽ đưa vào lò đốt hơi, trải qua áp suất và nhiệt độ cao rồi đưa vào sử dụng làm quay tuabin và máy phát sinh ra điện.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, việc sản xuất điện từ bã mía là nguồn năng lượng tái tạo nhiều tiềm năng. Nguồn năng lượng điện này đáp ứng đáng kể cho nhu cầu điện trong mùa khô, giảm áp lực cho các nhà máy thủy điện đang thiếu nước, đảm bảo tính an toàn và thuận lợi cho việc cấp điện tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị và công nghệ hiện đại cho dây chuyền nhiệt điện từ bã mía cần chi phí rất lớn, đây cũng là khó khăn chung mà các công ty mía đường gặp phải. Riêng với Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ dù đã có kế hoạch đầu tư để cho ra 20 - 30 MW điện nhưng chưa thể thực hiện, bởi gặp khó khăn về chi phí đầu tư cũng như nguồn mía nguyên liệu không thể đáp ứng.

Niên vụ năm 2018 - 2019, Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ chỉ ép được gần 591.700 tấn mía, giảm gần 38%, sản lượng cũng giảm 43,5% so với niên vụ trước đó. Nguyên nhân chính là thời gian qua, việc sản xuất thua lỗ nhiều, người trồng mía ở khu vực này đã chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác dẫn đến diện tích mía nguyên liệu giảm.

Phía công ty cho biết, dự báo thiếu nguyên liệu mía để ép vì diện tích mía đã giảm, chỉ còn hơn 6.000 ha, khoảng 400.000 tấn mía nguyên liệu, mà giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đặc biệt là đường lậu.

Chính vì vậy, cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ phát triển cho cả người dân và doanh nghiệp mía đường, nhằm đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho nhà máy, đảm bảo mức sống và thu nhập tốt cho người dân trồng mía. Có vậy, nhà máy mía đường mới có thể dễ dàng áp dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, phát huy sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng bã mía phát điện tiết kiệm 10 tỷ đồng/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO