Đưa di sản văn hóa địa phương vào dạy lịch sử

N. HOA| 11/06/2018 18:31

KHPTO - Thầy Nguyễn Đức Toàn, khoa sư phạm, Trường đại học Cần Thơ vừa đưa ra một số biện pháp nhằm giáo dục ý thức bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong dạy học lịch sử ở trường THPT, góp nâng cao chất lượng dạy học bộ môn hiện nay.

Tạo ra “cú hích” tinh thần cho học sinh Thầy Nguyễn Đức Toàn cho rằng, điều kiện tiên quyết bảo đảm sự tồn tại lâu dài và chuyển giao DSVH từ thế hệ này sang thế hệ khác là nó phải được gắn với đời sống đương đại sinh động của một cộng đồng cư dân nhất định. Có nghĩa là DSVH phải tồn tại ngay trong không gian văn hóa nơi cộng đồng cư dân đã sáng tạo ra nó và tiếp tục cung cấp nguồn sinh khí cho nó tồn tại mãi mãi.

Việc sử dụng DSVH trong dạy học lịch sử (DHLS) tạo ra cú hích tinh thần nhằm nâng cao ý thức cho học sinh (HS) về việc các em chính là chủ nhân hưởng thụ và bảo vệ, phát huy giá trị của các DSVH.

Thông qua các hoạt động giáo dục tại nhà trường, giáo viên (GV) có điều kiện hướng dẫn cho HS những cách thức, biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của chính bản thân các em và cho cộng đồng. Đây cũng chính là hình thức tập huấn thiết thực nhất và dễ tiếp thu nhất; là những dịp để địa phương quảng bá và giới thiệu giá trị DSVH rộng rãi đến các đối tượng công chúng trong toàn xã hội.

Với vai trò quan trọng như vậy, sử dụng DSVH tại địa phương trong DHLS Việt Nam ở trường THPT có ý nghĩa cho HS về nhiều mặt.

Trước hết, về mặt nhận thức. Sử dụng DSVH ở địa phương trong DHLS Việt Nam sẽ góp phần làm phong phú thêm tri thức của HS về quê hương, nhận thức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc.

Việc sử dụng DSVH tại địa phương trong DHLS góp phần cụ thể hóa kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa mà HS cần thu nhận. Từ đó, hình thành trong các em những biểu tượng chân thực, giúp HS nhớ lâu, hiểu sâu sự kiện liên quan đến bài giảng với đầy đủ khía cạnh của nó.

Bên cạnh đó, DSVH tại địa phương cũng góp phần tăng thêm tính sinh động của giờ giảng và thái độ của các em đối với những sự kiện, hiện tượng thông qua biểu tượng tạo được trong đầu HS.

Ngoài ra, sử dụng DSVH ở địa phương còn góp phần mở rộng kiến thức cho HS. HS không chỉ được học những kiến thức đã có trong chương trình mà còn có những kiến thức mới được khám phá trong quá trình trải nghiệm. Từ đó, giúp cho HS dễ dàng vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, giải thích một cách khoa học hơn về các hiện tượng liên quan đến thế giới xung quanh. Thứ hai về phát triển kỹ năng cho HS.

Lý luận dạy học đã chỉ ra rằng, tài liệu tham khảo nói chung, tài liệu DSVH nói riêng nếu được sử dụng hợp lý trong DHLS Việt Nam góp phần rèn luyện, phát triển kỹ năng cho HS như: tri giác tài liệu, tìm kiếm và xử lý thông tin, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và đặc biệt là phát triển năng lực học tập bộ môn, năng lực thực hành; giúp các em dễ dàng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống…

Thứ ba về mặt giáo dục. Sử dụng có hiệu quả nguồn tài liệu DSVH tại địa phương trong DHLS dân tộc góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, kính yêu quần chúng nhân dân; trân trọng và biết ơn các vị anh hùng dân tộc.

Trên cơ sở đó, HS được tiếp xúc với những DSVH liên quan đến mảnh đất, con người cụ thể nơi các em đang sống và học tập, qua đó khơi dậy trong trái tim các em lòng kính yêu, khâm phục những người đã sáng tạo ra DSVH, để từ đó nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị của DSVH địa phương, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Mặt khác, sử dụng DSVH tại địa phương trong DHLS dân tộc còn là một biện pháp tích cực để thực hiện nguyên lý “học đi đôi với hành”, “nhà trường gắn với xã hội”, “lý luận gắn với thực tiễn”.

Sử dụng DSVH để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập Thầy Nguyễn Đức Toàn nhận thấy đây là một biện pháp hiệu quả nhằm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong bối cảnh hiện nay.

Trong quá trình dạy học, GV có thể tiến hành bằng các hình thức, như kiểm tra miệng: có thể tiến hành vào đầu giờ, trong hoặc cuối giờ học nhằm kiểm tra kết quả thu nhận kiến thức từ phía HS.

Việc kiểm tra miệng, GV có thể sử dụng đồ dùng trực quan, yêu cầu HS quan sát rồi trả lời câu hỏi. Ví dụ, sau khi HS học xong bài 22, lịch sử 11, để kiểm tra bài cũ, GV sử dụng tranh ảnh về Kênh xáng Xà No (Hậu Giang), kết hợp đặt câu hỏi phát vấn: Hình ảnh các em vừa xem nói về con kênh nào? Ở đâu? Và được đào vào khoảng thời gian nào? Nhằm mục đích gì? Hoặc GV dùng tài liệu viết về DSVH phi vật thể ở địa phương để thiết kế câu hỏi, yêu cầu HS trả lời.

Việc sử dụng DSVH ở địa phương trong DHLS Việt Nam có tác dụng rất lớn đến việc nhận thức, giáo dục tư tưởng và rèn luyện kỹ năng cho HS.

Qua kiểm tra, nó làm sáng tỏ tình hình lĩnh hội kiến thức của các em, giúp cho các em củng cố, hệ thống hoặc khái quát hóa kiến thức đã học, chuẩn bị cho việc tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn kiến thức mới.

Bên cạnh đó, nó còn phát triển cho HS một số kỹ năng cần thiết trong học tập như lý giải, phân tích, so sánh đánh giá, nhận xét, bình luận...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa di sản văn hóa địa phương vào dạy lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO