Du xuân Nam bộ

NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG| 12/02/2021 09:06

KHPTO - Covid-19 bị đánh tơi tả vẫn chưa chịu đầu hàng, đang rình rập cơ hội phản công. Trật tự thế giới đảo lộn, thiệt hại khôn lường. Chỉ có thời gian là ung dung, tự tại, cứ đủng đỉnh tiến về phía trước, chưa bao giờ dừng lại hay lùi. Bất chấp mọi khó khăn, mùa xuân vẫn đang đến.

Trời xanh, cao hơn; gió hơi se lạnh, cỏ cây hớn hở vươn mình sau thời gian ngập úng. Rộn rã nhất là các làng hoa, kiểng. Khẩn trương, náo nức, đồng khởi đợi xuân về. Tất bật cả năm để mấy ngày tết coi sao cho phải lễ. Sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm đồ dùng, chăm chút và “nhắc nhở” mấy gốc mai và luống hoa nở đúng giao thừa. Kỳ công hơn cả là ẩm thực tết.

Chuẩn bị rước xuân về

Trước cửa có mai vàng, bàn thờ có tắc (quất) và vạn thọ, cạnh mâm ngũ quả cúng gia tiên. Ngũ quả thường là cầu (mãng cầu), sung, vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài). Đúng tính cách Nam bộ, mơ ước chỉ “dừa đủ” chứ không cần dư thừa xả láng. Có người đề nghị bỏ “cầu”, nghe có vẻ thụ động. Phải làm mới có ăn, chỉ cần “dừa đủ xài”. Việc chưng mâm quả được nâng lên thành nghệ thuật tạo hình độc đáo.

Từng nhà, người nào việc đó. Đàn ông con trai gỡ chà, tát đìa (ao) thu hoạch cá tôm ăn; hùn hạp mổ heo, bò. Đàn bà con gái chọn nếp, ngâm đậu, lựa thịt, mua lá chuối, lạt tre, trộn hương vị, màu sắc gói bánh tét. Có mấy bánh bé tẹo dành riêng trẻ con. Vui nhất là nấu bánh tét; từ tối, qua đêm tới sáng. Bên bếp lửa bập bùng, bà và mẹ thường ôn chuyện cũ, kể về những kỷ niệm tết ngọt ngào cổ tích.

Do đặc thù vùng đất khai hoang và văn hóa mở cõi, người Nam bộ đón tết bằng bánh tét thay vì bánh chưng. Bánh tét, do đọc trệch từ bánh tết; khi ăn phải tét ra từng khoanh. Bánh tét để được lâu hơn, có thể cầm tay ăn; không cầu kỳ như bánh chưng. Phú quý sinh lễ nghĩa, bánh tét giờ có đủ 7 sắc cầu vồng, cả nhân và bánh với hương vị rất riêng. Từ lá cẩm, lá gai, lá dứa, lá mật cật... đến nhân trái cây, thịt, đậu, sâm, thập cẩm. Bánh vớt khỏi nồi, treo đầu bếp cho ráo nước và ăn tươi dần hoặc chiên (rán) giòn từng khoanh theo sở thích.

Mâm cơm cúng gia tiên và khai vị ngày tết đủ bộ với bánh tét, cơm, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng vịt, cá kho tộ, tôm chua củ kiệu, dưa giá, mứt gừng, mứt dừa... Mỗi món mang ý nghĩa riêng, có giá trị dinh dưỡng hài hòa. Món khổ qua dễ tiêu và mát gan, mang ý nghĩa mọi khổ cực của năm cũ sẽ trôi qua (khổ qua) để năm mới hanh thông, may mắn. Món thịt kho trứng vịt với nước dừa xiêm, ninh cho thịt mềm nhừ nhưng không vỡ trứng. Thịt heo nạc, xắt từng khối vuông nửa bàn tay cạnh trứng vịt; tượng trưng ý nghĩa trời đất tròn vuông, mong năm mới vuông tròn mọi việc.

Chiều 30, xong xuôi mọi việc. Từng người gột rửa thể xác lẫn tâm hồn, bỏ qua hiềm khích và lỗi lầm của nhau trong bữa cơm tất niên đầm ấm. Sau bữa tối, người lớn râm ran chuyện trò bên ấm trà, ôn chuyện cũ, đợi xuân sang. Khi trời đất giao hòa, giờ phút thiêng liêng, pháo hoa bừng sáng, nhà nhà rộn ràng nhạc hiệu đón xuân. Mọi người tề tựu cúng gia tiên, tạ ơn trời đất, mừng tuổi lẫn nhau, lì xì chúc tết rồi đi chùa hay nhà thờ khai xuân. Mồng 1 kiêng không quét nhà để giữ lộc; không nổi lửa để ông Táo nghỉ ngơi sau cả năm vất vả. Cũng không cho nước, cho lửa, không to tiếng, không vay trả đầu năm. Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy; cứ thế rồng rắn đi mừng tuổi, mang sắc xuân trải khắp xóm làng.

Dù phá cách nhiều tục lệ; tết Nam bộ vẫn là dịp hội tụ, ăn nhậu xả dàn, bù cả năm cật lực. Quanh năm thiếu thốn, nhưng tết phải tươm tất; trước là với tổ tiên, sau là cùng lối xóm. Thức ăn thừa mứa, rượu bia tràn mâm, càng có nhiều người tham gia càng phúc. Dân Nam bộ bộc trực, được mời là cứ tự nhiên như người nhà, không mời lơi kiểu cách.

Du xuân

Làm gì thì mấy ngày tết cũng đóng cửa, xuất hành đón xuân. Sài Gòn đẹp nhất mùa tết bởi thiên hạ về quê. Thành phố đáng yêu chứ không xô bồ, ngột ngạt. Ban ngày cưỡi xe buýt hai tầng “Hop On Hop Off” ngắm trung tâm thành phố và dừng chân các điểm nhấn trên hành trình tùy thích. Chiều ghé phố đi bộ Nguyễn Huệ dạo chơi. Tối du thuyền, ngắm hoàng hôn, ăn tối và phiêu du trên dòng kênh Nhiêu Lộc, tìm hiểu “Kỳ tích Sài Gòn”, từ dòng kênh ô nhiễm bậc nhất thành chốn du thuyền sang chảnh, giá rẻ bất ngờ.

Ra Bình Thuận, viếng chùa Phật Quang ở Phan Thiết, nơi lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ thị đỏ, từ năm 1704, xưa nhất Việt Nam; trước cả mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Đầu xuân, thầy trụ trì sẽ phá lệ cho du khách cung thỉnh, chiêm ngắm quốc bảo Phật giáo Việt Nam.

Ngược lên Hàm Thuận Bắc viếng chùa Lạ. Gọi lạ vì ít ai biết. Chùa có tên là Quan Âm nhưng được gọi là chùa Thiên Mai vì có hơn 5.000 gốc mai. Gọi là chùa Mở vì chùa không có cổng và cửa. Nằm ở độ cao 864 mét, rộng 7 ha, chánh điện chỉ hơn 100 m2. Chỉ có mái và vách sau. Gọi là chùa Ngàn Thông vì có gần 10.000 gốc thông. Gọi là chùa Tiên vì cảnh quá đẹp. Chùa nhìn ra hồ Hàm Thuận, rộng 6.225 ha như bức tranh tuyệt tác.

Xuống miền Tây viếng chùa cổ Linh Quang ở Điềm Hy, Châu Thành (Tiền Giang) xây dựng từ 1937. Cạnh chánh điện cổ kính là phiên bản chùa Một Cột bằng gỗ căm xe theo tỷ lệ 1/1 rất độc đáo. Gọi là căm xe vì lõi gỗ cứng như thép, xưa được dùng làm căm bánh xe trâu, bò, ngựa... Qua đêm ở Làng du lịch Hòa An (thành phố Cao Lãnh) với các nhà sàn của bá hộ Nam bộ ngày xưa.

Đến Châu Thành, Bến Tre viếng Tòa thánh Cao Đài của Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, khu di tích và mộ ông Đạo Vừa (Dừa) Nguyễn Thanh Nam, gặp tử tù Lê Văn Thức năm xưa với bức ảnh lịch sử “Mẹ - con ngày gặp lại” (“Vui sao nước mắt lại trào” chụp ngày 7/5/1975 tại bến tàu đón tử tù Côn Đảo tại Vũng Tàu). Nghe bà con kể chuyện Đồng Khởi du lịch.

Ghé Vĩnh Long tham quan làng lò gạch hoang với hàng ngàn “tháp cổ” ở Măng Thít. Nhà Gốm Tư Buôi và Nhà Dừa cùng ở Long Hồ là những ngôi nhà độc bản. Nhà làm toàn gốm, từ ngói, tường đến cột với hàng ngàn cổ vật quý. Nhà Dừa (Cocohome) làm từ hơn 4.000 gốc dừa cụ. Từ vách ván, cột kèo, bàn ghế, giường tủ, ấm chén đến phù điêu, tranh trang trí. Ngôi nhà bảo tàng dừa thu nhỏ...

Xuân này mời bạn bè Nam tiến và ăn tết với người miền Tây. Vừa tránh cái rét của miền Bắc và Bắc Trung bộ, vừa có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về đất nước, con người; về những phong tục tập quán và thưởng thức ẩm thực tết cùng dân Nam bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du xuân Nam bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO