Đột tử khi đang chơi thể thao - Cảnh báo sức khỏe khi vận động gắng sức

Bài, ảnh: UYÊN NHI| 11/11/2019 17:46

KHPTO - Theo PGS.TS. Lê Thị Tuyết Lan, phó chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, nguyên nhân một số trường hợp đột tử trong khi chơi thể thao, tập luyện là do không biết được “giới hạn của bản thân trong lúc tập luyện” nên họ vẫn tiếp tục gắng sức, dẫn đến tình trạng huyết áp tăng làm đứt mạch máu não hoặc bị loạn nhịp gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột tử.

Ông Nguyễn Minh P., 68 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM, ông có thói quen 4 giờ sáng dậy đi bộ ở công viên gần nhà trong nhiều năm qua, nhưng gia đình đột ngột nhận tin báo ông P., trong lúc tập luyện đột ngột ngã quỵ và được đưa cấp cứu nhưng ông đã tử vong. Mới đây, trường hợp vận động viên 32 tuổi, quê Bình Thuận - đã bất ngờ đột tử khi đang chạy trong một cuộc đua marathon tại TP.HCM.

PGS.TS. Tuyết Lan lý giải: “Khi vận động gắng sức, dù là vận động viên trẻ tuổi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ như đã kể trên. Điều nguy hiểm là những người này lúc bình thường họ vẫn thấy rất khỏe, nên không biết trước được nguy cơ có thể xảy ra khi vận động mạnh. Do vậy, mỗi người cần phải biết rõ giới hạn bản thân của mình để có chế độ vận động hợp lý”.

PGS.TS. Tuyết Lan lưu ý, người tập luyện sẽ được phân thành 8 nhóm và trước khi chơi hay tập luyện một môn thể thao nào, người chơi cần kiểm tra sức khỏe để biết mình thuộc nhóm nào, từ đó chọn môn thể thao và mức độ tập phù hợp. Đối với những người thuộc nhóm 1 (người khỏe mạnh, đang tập luyện), không cần kiểm tra sức khỏe, có thể tập ở cường độ vừa; người thuộc nhóm 5 (người khỏe mạnh, không tập luyện) không cần kiểm tra sức khỏe, có thể bắt đầu tập luyện với cường độ nhẹ; nhóm 3 (người có bệnh lý được kiểm soát đang tập luyện), không cần kiểm tra sức khỏe và tập với cường độ trung bình. Những người thuộc nhóm 2, 4, 6, 7, 8 cần phải đi kiểm tra sức khỏe.

Ngày nay, với sự phát triển y khoa, nghiệm pháp gắng sức tim mạch - hô hấp sẽ cho chúng ta biết mức độ tập luyện. PGS.TS. Tuyết Lan cho biết, đây là một kỹ thuật mới được triển khai đầu tiên ở Việt Nam tại phòng khám Bệnh viện đại học y dược 1, khi đo gắng sức tim mạch - hô hấp, bệnh nhân sẽ được đạp xe đạp hoặc chạy trên thảm lăn.

Người đo sẽ được đánh giá toàn bộ hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh cơ và chuyển hóa từ lúc nghỉ ngơi, bắt đầu vận động nhẹ tới vận động cường độ cao. Trong lúc gắng sức này, nhiều bệnh lý không hiện diện lúc nghỉ mà chỉ xuất hiện trong lúc gắng sức mới được bộc lộ như huyết áp tăng giảm bất thường, rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, hen suyễn, co thắt phế quản do gắng sức, rối loạn chức năng dây thanh…

Các bệnh lý càng nguy hiểm khi xuất hiện lúc gắng sức ở cường độ thấp và có thể người bệnh không nhận biết được, dẫn tới khi thi đấu hay gắng sức, tập nặng dễ xảy ra tai biến.

Tập luyện, chơi thể thao giúp chúng ta rèn luyện cơ thể săn chắc khỏe mạnh nhưng nếu vận động quá mức, thiếu khoa học sẽ có tác dụng ngược lại. Mỗi con người là một cá thể riêng biệt nên muốn tập luyện khoa học, hiệu quả cần được kiểm tra sức khỏe, được tư vấn để có một chế độ tập luyện phù hợp với từng độ tuổi, sức khỏe, PGS.TS. Tuyết Lan khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột tử khi đang chơi thể thao - Cảnh báo sức khỏe khi vận động gắng sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO